Sở Xây dựng Đồng Nai vừa đưa ra đề xuất chỉnh trang, hình thành các quảng trường gắn liền với những địa danh, di tích lịch sử quan trọng tại thành phố Biên Hòa. Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương và tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân.
Theo Sở này, Biên Hòa dù là đô thị lớn nhưng thực tế vẫn thiếu nhiều công trình văn hóa như nhà hát, trung tâm văn hóa, quảng trường, và sân vận động. Một số công trình dù đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm. Tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu” trong đầu tư cơ sở văn hóa đang là một thách thức lớn đối với thành phố.
Trong số các đề xuất, nổi bật là việc hình thành quảng trường Sông Phố và quảng trường Thành Cổ. Đây là hai địa danh lịch sử lớn của tỉnh.
Thành Cổ gắn liền với dấu ấn lịch sử 325 năm phát triển của Biên Hòa, mang nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa, là một không gian để người dân có thể tận hưởng. Sở Xây dựng đề xuất ý tưởng hình thành quảng trường đóng tại thành cổ. Tạo một không gian độc lập, giống như một “căn phòng” ngoài trời phục vụ người dân tham quan. Quảng trường này được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà xung quanh và được mở ra thông suốt với tuyến phố Phan Chu Trinh, tạo cảm giác gần gũi, an toàn, thân thiện.
Trước đó, đối với quảng trường này, kiến trúc sư Đặng Quang Vinh cho rằng về không gian kết nối sẽ kéo dài từ Thành Cổ Biên Hòa qua đường Phan Chu Trinh đến sông Đồng Nai. Tạo nên một khu vực sinh hoạt cộng đồng, mở ra không gian sống động và mới lạ.
Tương tự, Quảng trường Sông Phố, một di tích quốc gia từ năm 1991, là giao lộ chính giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30/4. Quảng trường Sông Phố gắn liền với hai di tích cấp quốc gia khác là thành cổ Biên Hòa (cách khoảng 100m) và Nhà hội Bình Trước(cách khoảng 20m). Từ giao lộ này, người dân có thể đi đến các khu vực, tuyến đường trung tâm của thành phố Biên Hòa.
Hiện tại, khu vực này đang chịu cảnh ùn tắc giao thông do mật độ xe cộ và các công trình bao quanh, làm mất đi chức năng sinh hoạt cộng đồng vốn có.
Sở Xây dựng đề xuất cải tổ khu vực Quảng trường Sông Phố thành một không gian dài, giống như hành lang kết nối, với điểm đầu và cuối là các công trình văn hóa đặc trưng. Không gian mới sẽ phục vụ các hoạt động cộng đồng như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và các sự kiện văn hóa thường xuyên.
Việc tổ chức lại hai quảng trường này sẽ dựa trên nguyên tắc không tác động trực tiếp đến di tích lịch sử, mà chú trọng cải tạo không gian và cảnh quan, tạo điều kiện cho người dân kết nối, học hỏi và thưởng thức văn hóa địa phương. Đây cũng là cách để tăng giá trị di tích, giữ gìn hồn cốt của vùng đất Biên Hòa thông qua những không gian văn hóa sống động và giàu bản sắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận