Thế giới giao thông

Biến xe ba bánh thành “nhà máy điện ảo” ở Bangladesh

30/05/2023, 07:21

Một công ty khởi nghiệp tại Bangladesh đang thực hiện dự án nâng cấp pin điện cho xe tuk-tuk để biến phương tiện thành nhà máy điện ảo.

Pin thông minh, có gắn chip giúp trao đổi điện linh hoạt

img

Ông Muhammad Delwar Hossain (phải) - một tài xế tuk-tuk tại Dhaka sử dụng pin thông minh cho xe này từ một năm trước

Đường phố Thủ đô Dhaka, Bangladesh luôn tràn ngập tiếng ồn. Giữa những tiếng còi xe inh ỏi, tiếng ô tô gầm rú, tiếng xe kéo rầm rập, những chiếc xe 3 bánh được gọi là tuk-tuk lại di chuyển rất êm nhờ chuyển đổi sang xe điện.

Tận dụng cơ hội này, một công ty khởi nghiệp của Bangladesh đã nắm bắt được cơ hội, nhìn thấy ở thị trường 2,5 triệu xe tuk-tuk điện một mảnh đất màu mỡ để có thể biến thành nhà máy điện ảo.

“Khi những chiếc tuk-tuk trở về gara vào ban đêm, xe vẫn còn khoảng 30% pin. Nếu lượng điện còn lại có thể được truyền tải vào mạng lưới điện vào thời điểm nhu cầu điện đạt đỉnh điểm thì sẽ rất tuyệt vời”, bà Salma Islam, người đứng đầu bộ phận dự án của công ty khởi nghiệp SOLshare tại Bangladesh cho hay.

Sở dĩ công ty SOLshare nắm rõ lượng điện còn trong pin xe tuk-tuk vào cuối ngày bởi doanh nghiệp đang hợp tác với các gara xe tuk-tuk địa phương để nâng cấp pin axit-chì truyền thống của phương tiện sang pin lithium-ion thông minh.

Loại pin này được gắn chip kỹ thuật số của SOLshare giúp công ty thu thập dữ liệu về hiệu suất, vị trí, mức sạc của pin.

Theo công ty khởi nghiệp, lượng điện còn lại trong xe tuk-tuk vào cuối ngày có thể cung cấp tới 20% nhu cầu năng lượng của Bangladesh vào lúc cao điểm.

Sau đó, để nạp lại điện, phương tiện có thể sạc vào ban đêm khi nhu cầu đối với mạng lưới điện ở mức thấp nhất.

SOLshare kỳ vọng những “nhà máy điện di động” có thể giúp ổn định lưới điện của Bangladesh và hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Dự án nâng cấp pin xe tuk-tuk nằm trong chương trình thử nghiệm về xe điện có tên SOLmobility được SOLshare khởi động vào năm 2021. Đến nay, công ty đã hợp tác với 15 gara xe tuk-tuk để nâng cấp pin và thu thập dữ liệu của khoảng 40 phương tiện.

Loại pin thông minh của SOLshare tiêu thụ lượng điện ít hơn 40% so với pin axit-chì. Ngoài ra, pin lithium-ion có thể sạc đầy trong khoảng 6 giờ, bằng một nửa thời gian so với pin axit-chì.

Chưa kể, pin lithium-ion nhẹ và hoạt động hiệu quả hơn, tuổi thọ cao gấp 5 lần. Chỉ có điều, pin lithium-ion có giá thành gấp đôi so với pin axit-chì.

Ông Muhammad Delwar Hossain đã làm nghề lái xe tuk-tuk ở ngoại ô Thủ đô Dhaka của Bangladesh trong hơn một thập kỷ. Ông bắt đầu chuyển sang sử dụng pin thông minh của công ty SOLshare vào năm ngoái.

Tài xế này cho biết, quyết định chuyển đổi pin đã giúp ông tăng thu nhập hàng thêm 50% vì có thể thực hiện nhiều chuyến đi hơn trong một lần sạc so với pin thông thường.

Kỳ vọng chuyển đổi toàn ngành năng lượng

img

Xe tuk-tuk điện di chuyển trên đường phố Bangladesh Ảnh: CNN

Không dừng lại ở việc biến những chiếc xe tuk-tuk thành nguồn cung cấp điện di động, SOLshare còn có tham vọng chuyển đổi toàn bộ lĩnh vực năng lượng của Bangladesh thông qua nhiều dịch vụ khác nhau.

Năm 2015, công ty bắt đầu phát triển các mạng lưới điện siêu nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời cho phép những hộ gia đình không có tấm quang năng có thể mua điện dư thừa từ hộ gia đình khác thông qua hệ thống thanh toán di động, dùng đến đâu trả đến đó.

Đến nay, công ty đã lắp đặt 118 mạng lưới điện siêu nhỏ như vậy trên khắp Bangladesh.

Ngoài ra, SOLshare còn triển khai dịch vụ lắp đặt hệ thống bảng điều khiển năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình, tòa nhà thương mại.

Bà Islam nhận định, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời có thể giúp Bangladesh giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và những mạng lưới điện siêu nhỏ này có thể cung cấp lượng điện dư thừa cho lưới điện quốc gia.

Những sáng kiến của SOLshare được tung ra vào đúng thời điểm quan trọng đối với lĩnh vực năng lượng của Bangladesh, khi các hộ gia đình trên khắp đất nước này thường xuyên phải chịu cảnh cắt điện luân phiên để giảm tải cho mạng lưới điện.

Vào tháng 10/2022, Bangladesh trải qua đợt cắt điện lớn nhất trong 8 năm khiến 96 triệu người không có điện để sử dụng.

Theo hãng tin CNN, Bangladesh không phải quốc gia duy nhất trên thế giới gặp khó khăn với việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, khí đốt trong năm 2022 đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu.

Tình trạng này đặt ra nhu cầu cách mạng hóa năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời nhanh hơn.

Thời gian tới, công ty SOLshare vẫn tiếp tục nâng cấp pin điện cho xe tuk-tuk, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất pin để lắp chip kỹ thuật số trực tiếp vào pin của các hãng.

Thông qua các dự án khác nhau, SOLshare kỳ vọng sẽ trở thành nhà cung cấp tiện ích ảo lớn nhất châu Á. Mô hình này có thể đóng vai trò quan trọng tại những quốc gia khác có số lượng xe tuk-tuk đông đảo như Thái Lan, Ấn Độ.

“Nếu chúng tôi có thể thực hiện dự án này tại Bangladesh thì bạn cũng có thể áp dụng tại bất cứ đâu”, bà Salma Islam, người đứng đầu bộ phận dự án của công ty khởi nghiệp SOLshare cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.