Hoàng Đình Tùng trong màu áo Thanh Hóa
Trải qua nhiều thăng trầm, ở tuổi 33, Hoàng Đình Tùng vẫn gắn bó với bóng đá Thanh Hóa. Đến thời điểm này anh đã có 4 bàn thắng tại V-League 2021, kém 2 bàn so với chân sút đang dẫn đầu danh sách “dội bom” là Văn Toàn. Tuy nhiên, anh hoàn toàn vượt trội so các đồng nghiệp trẻ như Tiến Linh, Văn Đức (đều 5 bàn thắng) hay Văn Toàn (6 bàn) khi chỉ cần 48 phút Tùng sẽ ghi 1 bàn thắng.
Siêu dự bị của Thanh Hóa
Thời điểm này, người ta bàn tán nhiều đến câu chuyện một tiền đạo nội đã lớn tuổi như Hoàng Đình Tùng vẫn ghi bàn đều đặn ở V-League. Sau 9 vòng đấu, Tùng “con” có được 4 bàn thắng và điều đặc biệt là tất cả đều được ghi khi tiền đạo sinh năm 1988 được tung vào sân từ băng ghế dự bị.
Hiệu suất, thời điểm và cách ghi bàn cho thấy sự toan tính rõ ràng của HLV Petrovic trong cách sử dụng cậu học trò cũ. Ông từng có thời gian làm việc cùng Đình Tùng năm 2017 nên hiểu rõ điểm mạnh của cầu thủ này và nhà cầm quân gốc Serbia luôn đặt niềm tin ở Đình Tùng mỗi khi cần tìm kiếm một phương án tạo đột biến thay vì tuyển thủ U22 Việt Nam Nguyễn Trọng Hùng.
3 trận thua liên tiếp từ thời điểm V-League trở lại sau dịch Covid-19 đẩy Thanh Hoá vào thế khó, nhất là khi Samson bị treo giò 3 trận vì những hành vi bạo lực sân cỏ. Nếu thua thêm một trận nữa trước Hà Tĩnh (vòng 8 V-League), không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra với đội bóng xứ Thanh. Nhưng đây là trận đấu mà Đình Tùng cho tất cả thấy rằng mình chưa già. Anh vào sân thay người giữa hiệp 2 và có 2 bàn thắng mang về chiến thắng 5-3 cho Thanh Hoá.
Có thể nói, cú đúp ấy đã “cứu ghế” cho HLV Petrovic giữa biển áp lực khi đội bóng này tụt xuống vị trí thứ 13. Ông Petrovic hơn một lần nói cảm ơn Đình Tùng nhưng có lẽ ông cũng nên dành một lời cảm ơn khác cho bầu Đoan. Nếu không có động thái quyết liệt của vị doanh nhân này, Đình Tùng đã lần thứ 2 chia tay quê hương.
Sau khi V-League 2020 kết thúc, không tìm được tiếng nói chung với Thanh Hoá, Đình Tùng dự tính sẽ ra đi bởi anh tin mình vẫn đủ sức đá bóng thay vì nghĩ đến nghiệp huấn luyện quá sớm. Bầu Đệ cũng để ngỏ việc Tùng “con” có thể vừa thi đấu vừa học dần về chuyên môn sau khi giải nghệ, nhưng đó không phải một lời mời hấp dẫn.
Mãi đến khi đội bóng xứ Thanh được chuyển giao, Đình Tùng lại quyết định “quay xe” bởi anh được đảm bảo việc sẽ tiếp tục thi đấu. Tiền hoàn toàn không phải vấn đề bởi sự nghiệp huy hoàng và những bản hợp đồng giá trị cho cầu thủ quê Nông Cống quá nhiều điều. Đến thời điểm này, rõ ràng đó là quyết định đúng đắn của đôi bên.
“Lúc đó, tôi tin mình vẫn còn đủ sức thi đấu chuyên nghiệp. Đã có đội bóng đưa ra lời mời và tôi sẽ ra đi nếu không được tin tưởng, không được thi đấu, đó là điều bình thường trong bóng đá. Nhưng thú thực, ở lại quê hương luôn là điều mà tôi mong muốn nhất. Tôi biết mình có thể giúp đội bóng ở cương vị của một cầu thủ và tôi đã làm được”, Hoàng Đình Tùng nhớ lại.
Suýt làm thợ bánh mỳ
Đình Tùng là một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của lò đào tạo bóng đá xứ Thanh suốt nhiều năm qua. Năm 2005, anh được HLV Hoàng Văn Phúc đôn lên đội 1 Thanh Hoá và bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi. Chiếc áo số 2 vốn ít gắn với các tiền đạo được anh lựa chọn đơn giản bởi… chẳng còn số nào.
Khi đó, Hoàng Đình Tùng là một cầu thủ còn rất trẻ, nhưng bước chạy thoăn thoắt và những pha đi bóng cắt ngang vòng cấm địa rồi dứt điểm thực sự khiến khán giả Thanh Hoá hưng phấn. Khi đó, tướng Phúc “sướng ra mặt” bởi đội bóng của ông thuộc diện con nhà nghèo, phải có những cầu thủ “cây nhà, lá vườn” như vậy thì mới mơ thăng hạng rồi trụ lại V-League được chứ “tiền đâu mà mua ngôi sao”.
Nhưng rất ít người biết rằng, đáng lý ra Hoàng Đình Tùng sẽ nối nghiệp làm bánh mì của gia đình chứ không phải trở thành một cầu thủ bóng đá. Nhà Tùng “con” ở huyện Nông Cống tuy không quá giàu có nhưng có thể xem là đủ sống với một lò bánh mì ở quê, thêm cửa hàng nhỏ với sức tiêu thụ tốt thì gia đình vẫn có thể yên tâm cho các con theo học văn hoá.
Rất may Đình Tùng không nghĩ vậy, những giải đấu trên mặt sân đất ở xã Tượng Sơn đã chắp cánh cho giấc mơ sân cỏ của tiền đạo này. Anh ghi rất nhiều bàn thắng, trở thành hiện tượng của xã, rồi của cả huyện Nông Cống. Cũng bởi vậy, sau khi thấy con mình biết đá bóng, ông Hoàng Đình Thảo mới quyết định cho con trai đi tập bóng đá ở tuổi 14, độ tuổi có phần hơi muộn để bắt đầu theo nghiệp quần đùi áo số.
Thương con ở đội vất vả, ông Thảo thi thoảng xuống thăm vẫn dúi vào tay cậu con trai “dăm đồng uống nước”. Bóng đá Thanh Hoá khi đó còn ở giải hạng Nhất, bao cấp hoàn toàn và rất nhiều khó khăn, nhất là với chế độ ăn uống cho các cầu thủ trẻ. Nhưng chính những sân tập rất cứng, những bữa ăn chỉ có vài miếng thịt mỡ lại nuôi dưỡng một tượng đài của bóng đá xứ Thanh.
Chỉ cần 48 phút, Tùng sẽ ghi 1 bàn thắng
Hoàng Đình Tùng ghi rất nhiều bàn thắng cho Thanh Hoá. Tính đến nay anh đã có 87 bàn thắng tại V-League. Người hâm mộ xứ Thanh vẫn không thể quên được pha lập công bằng… ống đồng cuối mùa giải 2019.
Cụ thể, trong trận đấu với B.Bình Dương tại vòng 26, Thanh Hoá cần 1 bàn thắng để níu giữ hy vọng trụ hạng. Từ đường chuyền của Lê Văn Thắng, Đình Tùng băng vào dứt điểm thành bàn bằng… ống đồng và với 1 điểm có được đủ để Thanh Hóa giành vé dự trận play-off.
Đến trận đấu được xem là “sinh tử” của cả mùa giải, vẫn là Đình Tùng với đường chuyền như đặt để Văn Thắng lập công mang về bàn thắng duy nhất cho Thanh Hoá trước Phố Hiến. Qua đó, cựu Á quân V.League tiếp tục được ở lại với giải đấu số 1 Việt Nam. Nên nhớ rằng, áp lực quá lớn của việc đối diện nguy cơ xuống hạng khiến đôi chân của cầu thủ Thanh Hoá như đeo chì, cả hiệp 1 họ thi đấu “như gà mắc tóc” trước đối thủ.
Nói về bản hợp đồng “duy nhất” của mình, ông Cao Hoàng Đức, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Thanh Hoá phấn khích: “Tôi tuy mới bắt tay vào làm bóng đá nhưng cũng là người yêu môn thể thao này từ bé.
Đội bóng nào thì cũng có những biểu tượng lớn thi đấu nhiều năm và tạo ra những thành tích tuyệt vời. Thanh Hoá là tỉnh có truyền thống văn hoá, thể thao. Bởi vậy, muốn xây dựng giá trị kế thừa cho đội bóng thì cầu thủ như Đình Tùng rất quan trọng. Đến giờ, cậu ấy không làm chúng tôi thất vọng một chút nào”.
Sau 9 vòng đầu tiên, ngôi sao này đang là chân sút hiệu quả nhất V-League với 4 bàn thắng, kém vị trí dẫn đầu của Văn Toàn 2 bàn. Nhưng điểm đáng chú ý nhất là việc anh chỉ mới thi đấu có 192 phút, đây là quãng thời gian thi đấu ít nhất của 1 tiền đạo nằm trong top 10 chân sút xuất sắc nhất. Tức là chỉ cần 48 phút Tùng sẽ ghi 1 bàn thắng, hoàn toàn vượt trội so các đồng nghiệp trẻ như Tiến Linh, Văn Đức hay Văn Toàn.
“Cậu ta biết cách đánh hơi bàn thắng, tôi không có gì để chê một mẫu tiền đạo như vậy cả. Rất chăm chỉ tập luyện dù tôi biết Tùng đã có tất cả. Đó là điều không phải ngôi sao nào cũng làm được”, HLV Petrovic nói.
Cùng với những gì đã thể hiện ở V-League 2021, Hoàng Đình Tùng cho thấy rằng mình vẫn còn rất hữu dụng. Quan trọng hơn, sự tận tụy, thái độ chuyên nghiệp và phẩm chất thủ lĩnh của anh là thứ mà Thanh Hoá đang cần. Bất kể đội bóng nào cũng cần một biểu tượng, với Thanh Hoá đó chính là Hoàng Đình Tùng.
“Tôi chưa nghĩ về việc dừng lại. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho đội bóng quê hương tới khi nào không thể và vẫn vẫn được tin tưởng”, Đình Tùng quả quyết.
Vài nét về Hoàng Đình Tùng
- Sinh ngày 24/8/1988.
- Quê quán: Nông Cống, Thanh Hóa.
- Cao 1m68, nặng 70kg.
- Năm 2001, gia nhập lò đào tạo trẻ Thanh Hóa.
- Năm 2005, được đôn lên đội 1 Thanh Hóa.
- Năm 2011, chuyển sang thi đấu cho Hải Phòng.
- Năm 2014, trở lại khoác áo Thanh Hóa và thi đấu tới nay.
- Tuyển thủ U23 Việt Nam từ năm 2008, tuyển thủ quốc gia Việt Nam năm 2011.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận