Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Bình Định định hướng phát triển mạnh về logistics, cảng biển.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
Cụ thể, Bình Định sẽ nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa, khu bến Nhơn Hội. Các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch.
Đối với chức năng của các khu bến cảng, khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định và khu vực Tây Nguyên; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách.
Khu bến Nhơn Hội nhằm phục vụ trực tiếp khu kinh tế Nhơn Hội, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách.
Đáng chú ý, quy hoạch định hướng nghiên cứu điều chỉnh tách bến cảng Phù Mỹ thành 2 khu bến, gồm khu bến Phù Mỹ (tại xã Mỹ An, Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) và khu bến Hoài Nhơn (tại thị xã Hoài Nhơn). Nghiên cứu khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.
Khu bến Phù Mỹ được quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định và khu vực, có các bến tổng hợp, container và chuyên dùng phục vụ công nghiệp nặng, công nghiệp điện gió, cơ khí, đóng tàu, nông sản, vật liệu xây dựng, xăng dầu, tổ hợp sản xuất và xuất khẩu năng lượng mới (hydrogen/ amoniac xanh…).
Khu bến Hoài Nhơn được định hướng phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và năng lực nhà đầu tư.
Quy hoạch lưu ý việc điều chỉnh tách bến cảng Phù Mỹ thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Địa điểm, quy mô công suất, cỡ tàu tiếp nhận được xác định cụ thể trong quá trình lập dự án đầu tư.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, do Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm nhà đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng, được đầu tư từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tín dụng. Khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm.
Dự án được đánh giá là phù hợp với định hướng phát triển hệ thống sản xuất gắn liền với hệ thống phân phối thép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận