Chuyện dọc đường

Bịt lỗ hổng thất thoát bắt đầu từ chính sách

20/12/2018, 07:39

Đất đai là nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia, nếu khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực này...

dangvang

Đất đai là nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia

Thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.

Những hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng đến nay vẫn hiện hữu như: Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; Tham nhũng, tiêu cực thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; Nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp luật về đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Chúng ta thử lấy một ví dụ trong hàng ngàn ví dụ về sự bất cập của chính sách, chẳng hạn áp dụng phương pháp xác định giá đất. Theo quy định hiện hành (Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Thông tư 36/2014/TT-BTNMT) có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Do đó, các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị. Vì vậy, đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi, bởi chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất. Ví dụ, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư là phương pháp áp dụng phổ biến nhất hiện nay phụ thuộc hai yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển. Cả hai yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; Thời gian xây dựng giá và thời gian giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau. Do đó, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng… đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.