Thời sự Quốc tế

Bloomberg: Nhà Trắng chia rẽ về mức độ trừng phạt Nga

Trong nội bộ Chính quyền Mỹ đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về mức độ thúc đẩy các lệnh trừng phạt Nga.

Hãng Bloomberg dẫn lời các quan chức giấu tên trong Chính quyền Mỹ thạo tin cho biết Chính quyền Tổng thống Biden đã thảo luận về mức độ thúc đẩy các lệnh trừng phạt đối với Nga và đã xuất hiện những quan điểm khác biệt về mức độ Mỹ có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt Nga mà không dẫn tới hệ lụy bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như ảnh hưởng tới sự đoàn kết của các nước phương Tây.

Một nhóm quan chức Mỹ, chủ yếu là các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng ủng hộ cần cứng rắn hơn trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và cho rằng có thể thuyết phục được những đồng minh của Mỹ còn đang phản đối về vấn đề này.

img

Ảnh minh họa. Ảnh - Getty

Còn nhóm quan chức thứ hai, chủ yếu thuộc Bộ Tài chính Mỹ, tỏ ra quan ngại về sức ép với kinh tế toàn cầu vốn đã đang chịu áp lực do gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, giá dầu tăng cao và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Một số quan chức bày tỏ quan ngại về cơ hội của Đảng Dân chủ tại Quốc hội khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang cận kề nhưng giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối phản hồi trước thông tin từ Bloomberg.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Bloomberg đánh giá, dù xuất hiện bất đồng nhưng đây là các cuộc thảo luận nội bộ lành mạnh.

Việc Bộ Tài chính Mỹ cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định có thể gây gián đoạn các hoạt động kinh tế, là không có gì bất thường.

Mỹ đang phải gánh chịu tác động từ tình trạng lạm phát và giá khí đốt cao kỷ lục. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ lạm phát năm tại Mỹ đạt mức 6,2% vào tháng 10/2021, mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ.

Những cuộc thảo luận trong nội bộ Chính quyền Tổng thống Biden phần nào phản ánh căng thẳng giữa các nước phương Tây liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga.

Mỹ và Anh đã cấm vận dầu mỏ, khí đốt của Nga từ tháng 3, nhưng phải tới gần đây, Liên minh châu Âu (EU) mới đạt đồng thuận trong việc cấm nhập khẩu 2/3 dầu mỏ Nga nhưng vẫn phải miễn trừ cho Hungary và một số quốc gia khác.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, EU chưa thảo luận về vấn đề cấm vận khí đốt Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ và châu Âu vẫn thể hiện sự thống nhất về các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.