Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an |
Sáng 23/8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.
Trình bày Báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề về thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017 (tổng hợp từ các báo cáo của các bộ, ngành), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngoài những phương thức truyền thống như lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, xin con nuôi, đẻ thuê, hiến nội tạng... thì hiện nay, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia...
Ông Pha cũng nhấn mạnh, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân chủ yếu là trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.... Cá biệt, có trường hợp giả danh lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc để lừa gạt, cưỡng ép, thậm chí bắt cóc nạn nhân.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, trong khoảng thời gian trên, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can; đã kết luận điều tra, chuyển VKSND các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người. Số nạn nhân đã trở về 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người, còn 519 người vẫn chưa trở về.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động.
Thứ trưởng Lê Qúy Vương cũng cho hay, việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng và hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra.
Đối với những vụ án mua bán người đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân, tức không có lời khai bị hại, hoặc nạn nhân chưa tố giác thì các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố điều tra và xử lý đối tượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận