Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương |
Chiều 12/8, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương.
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều dự án giao thông theo quy hoạch. Một số đoạn tuyến giao thông do Trung ương quản lý và quy hoạch đi qua địa bàn được tỉnh chủ động tìm kiếm nguồn vốn và nhà đầu tư. Cụ thể như: tuyến Mỹ Phước-Tân Vạn (đoạn đi trùng với đường Vành đai 3), cầu Thới An và một đoạn đường Vành đai 4, QL13…
Các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng cũng được tỉnh đầu tư xây dựng bằng mọi nguồn lực từ nguồn vốn Ngân sách, BOT, tài trợ từ Ngân hàng thế giới, huy động nhân dân. Công tác quản lý bảo trì luôn được quan tâm, thực hiện thường xuyên liên tục đảm bảo ATGT, đảm bảo tuổi thọ công trình.
Về công tác quản lý và hỗ trợ dịch vụ vận tải, tỉnh cũng đã triển khai 4 tuyến xe buýt kết nối thành phố (TP) Thủ Dầu Một đến TP mới Bình Dương bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Đến nay đã lập xong dự án tiền khả thi tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối TP mới Bình Dương với Bến xe Miền Đông mới…
Một tuyến đường nội ô TP mới Bình Dương |
UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ GTVT sớm cắm mốc quy hoạch thực địa các tuyến đường bộ đã được Chính phủ phê duyệt như: đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh. Ngoài ra, đề nghị Bộ sớm chỉ đạo xử lý các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi để thông luồng tuyến cho các tàu tải trọng lớn.
Trao đổi về một số đề nghị của tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong thời gian tới, giao thông thủy lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay lòng sông Đồng Nai có nhiều bãi đá ngầm gây cản trở ATGT đường thủy. Bộ GTVT đã giao Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu thăm dò lòng sông tổng thể. Từ đó dựng mô hình dòng chảy, trình phương án xử lý đá ngầm và phân luồng tàu thuyền để Bộ xem xét trình Chính phủ.
“Đối với dự án cầu đường sắt Bình Lợi hiện đang vướng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Ngay trong tháng 8, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với TP.HCM để tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMB để dự án sớm thi công đồng bộ”, Thứ trưởng Đông thông báo.
Tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng các số liệu TNGT của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ nhưng còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa cao. Trong khi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Ông Hùng cũng đề nghị cơ quan thi hành công vụ của tỉnh cần tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền phổ biến Nghị định số 46 của Chính phủ, xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn để tiếp tục đẩy lùi TNGT thời gian tới.
Sau khi lắng nghe ý kiến của tỉnh, phần giải đáp của các đơn vị thuộc Bộ, phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá Bình Dương hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu trong công tác quy hoạch, thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Để đạt được những kết quả như hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực GTVT, sáng tạo dám làm, dám chịu cùng với đó là sự minh bạch trong quản lý, đầu tư các dự án BOT.
Đối với dự án thanh thải các bãi đá ngầm dưới lòng sông đoạn qua Đồng Nai, Bình Dương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lưu ý Cục Đường thủy nội địa VN cần khảo sát kỹ, sử dụng máy móc thiết bị, khoan phá và không dùng phương pháp nổ để giữ ổn định luồng. Bộ trưởng yêu cầu Cục đẩy nhanh tiến độ này để cùng với các địa phương trình Chính phủ phương án triển khai để tạo điều kiện phát triển giao thông thủy.
“Nếu sớm hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi đồng thời khai thác tốt sông Đồng Nai để trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đến cảng Cái Mép sẽ giải tỏa được áp lực giao thông đường bộ”, Bộ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết trong thời gian qua những chính sách, cơ chế của Nhà nước đã tạo nhiều thuận lợi để Bình Dương đạt được kết quả như hôm nay. Tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa từ Bộ GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận