Quản lý

Bộ GTVT: Kiến nghị của cử tri là kênh thông tin để nắm bắt hạn chế, đề xuất chính đáng

03/11/2023, 21:22

Bộ GTVT cho rằng, những kiến nghị của cử tri gửi đến là kênh thông tin quan trọng giúp Bộ nắm bắt kịp thời những hạn chế và đề xuất nhu cầu chính đáng, phù hợp với thực tiễn.

Tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri luôn đạt 100%

"Một số kiến nghị của cử tri được bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các bộ, ngành: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông", đó là đánh giá được Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Dương Thanh Bình đề cập tại báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT: Kiến nghị của cử tri là kênh thông tin để nắm bắt hạn chế, đề xuất chính đáng - Ảnh 1.

Thời gian qua, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhiều vấn đề thời sự trên tất cả các lĩnh vực ngành GTVT luôn nhận được sự quan tâm lớn của cử tri các địa phương  (Ảnh minh hoạ: Tạ Hải).

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, với đặc thù là Bộ kinh tế ngành mang tính xã hội cao, các vấn đề của ngành Giao thông thường xuyên được nhân dân cả nước quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị trong quá trình hoạt động.

Tính riêng kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, tổng số kiến nghị cử tri Bộ GTVT nhận được là 195 kiến nghị. Số lượng kiến nghị cử tri của Bộ GTVT cao thứ 3 trong các Bộ chuyên ngành (sau Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Từ năm 2013 đến nay, Bộ GTVT đã tiếp nhận và giải quyết, trả lời đầy đủ tổng số hơn 2.900 kiến nghị cử tri, đạt 100%.

Nội dung kiến nghị cử tri tập trung vào nhiều nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ bao gồm: Công tác hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giao thông vận tải; Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Công tác quản lý hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, thuyền viên, đăng kiểm phương tiện giao thông…

Xác định những kiến nghị của cử tri là kênh thông tin quan trọng để kịp thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế cũng như những đề xuất nhu cầu chính đáng từ thực tiễn, qua đó tập trung xử lý, tháo gỡ và giải quyết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ, thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri được Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ GTVT: Kiến nghị của cử tri là kênh thông tin để nắm bắt hạn chế, đề xuất chính đáng - Ảnh 3.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT.

"Đến nay, Bộ GTVT đã giải quyết và có văn bản trả lời đầy đủ 100% kiến nghị cử tri được gửi đến tại Kỳ họp thứ 5. Nội dung trả lời đi thẳng vào các vấn đề được cử tri nêu, bảo đảm khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nỗ lực vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Kết quả giải quyết cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cử tri cả nước đối với ngành GTVT.

Đối với các kiến nghị của cử tri nếu chưa giải quyết được ngay, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, đề ra lộ trình giải quyết cụ thể và thông tin tới cử tri được biết", ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo Chánh văn phòng Bộ GTVT, nhằm đảm bảo hiệu quả, kịp thời trong quá trình giải quyết các kiến nghị cử tri gửi đến, từ năm 2013, căn cứ các quy định liên quan, Bộ GTVT đã ban hành Quy định về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Tiếp nhận các kiến nghị của cử tri gửi đến (bao gồm kiến nghị trực tiếp do Ban Dân nguyện chuyển đến hoặc kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì xử lý), Bộ GTVT thực hiện phân loại theo nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ và Bộ trưởng có văn bản phân công các đồng chí Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo các cơ quan tham mưu chủ trì nghiên cứu, giải quyết.

Sau quá trình phân loại, thời gian xử lý từng nhóm kiến nghị của cử tri được quy định rõ như: nhóm kiến nghị gửi đến có nội dung chưa rõ ràng; kiến nghị do Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ GTVT nghiên cứu, trả lời mà việc giải quyết liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, vượt quá khả năng, điều kiện của Bộ; Kiến nghị liên quan đến việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các chính sách, pháp luật cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, tổng kết, đánh giá...

"Các cơ quan, đơn vị được giao phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì, chủ động giải quyết các nội dung kiến nghị thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được kiến nghị của cử tri phải có văn bản thông báo kết quả giải quyết tới cơ quan chủ trì để tổng hợp, tham mưu Bộ trưởng trả lời cử tri theo quy định.

Việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được thực hiện đảm bảo thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị theo đúng quy định", ông Dũng thông tin.

Trong bối cảnh khối lượng công việc được giao rất lớn nhưng tỷ lệ trả lời kiến nghị cử tri vẫn đạt tuyệt đối cho thấy Bộ GTVT đã biết lắng nghe người dân, doanh nghiệp để khắc phục những hạn chế trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, quản lý hoạt động vận tải, đăng kiểm, thể hiện trách nhiệm và tôn trọng người dân.
imgPGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII

Giải đáp đầy đủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương

Trước đó, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nội dung kiến nghị cử tri được gửi đến liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong đó, giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm.

Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ GTVT về giải pháp tháo gỡ đối với tình trạng quá tải tại Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng, việc nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 62 và dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đang được Bộ, ngành ghi nhận, tiếp thu, đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện để giải quyết thấu đáo như: trả lời của Bộ GTVT về việc triển khai nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 46 đoạn qua núi Nguộc, tỉnh Nghệ An...

Bộ GTVT: Kiến nghị của cử tri là kênh thông tin để nắm bắt hạn chế, đề xuất chính đáng - Ảnh 5.

Đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được Bộ GTVT chỉ đạo rốt ráo triển khai, sớm đưa vào khai thác, phục vụ giao thương hàng hoá, tạo thuận lợi cho người dân đi lại - Ảnh minh hoạ.

Đánh giá về công tác trả lời kiến nghị cử tri của Bộ GTVT, Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định rất hài lòng với công tác trả lời, phúc đáp kiến nghị cử tri của Bộ GTVT trong thời gian qua. 

Với tỷ lệ 100% các kiến nghị cử tri đều được Bộ trưởng Bộ GTVT phân công các bộ phận chuyên môn nghiên cứu trả lời đã thể hiện được tinh thần cầu thị của ngành GTVT. Những kiến nghị được trả lời xác đáng, đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm không né tránh.

"Đơn cử, tại tỉnh Đồng Tháp, cử tri huyện Tân Hồng vừa qua có đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ nghiên cứu cứu bố trí vốn đầu tư đường Hồng Ngự - Dinh Bà. 

Phản hồi kiến nghị này, Bộ GTVT đã thẳng thắn cho biết, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc cân đối vốn đang được ưu tiên cho dự án cấp bách hơn. Tôi cho rằng, đó là câu trả lời khách quan và nhận được sự đồng thuận của cử tri", ĐBQH Phạm Văn Hoà chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.