Trải qua nhiều vòng thẩm định, hai công trình khoa học có tính ứng dụng cao được vinh danh năm nay là: Công trình Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 và công trình Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam.
Giải thưởng Bảo Sơn là giải thưởng do Quỹ giáo dục Bảo Sơn - Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức thường niên từ năm 2011, được Bộ GD&ĐT bảo trợ, đồng tổ chức. Giải thưởng trao tặng cho 5 lĩnh vực gồm: Cải cách giáo dục và đào tạo; Xoá đói, giảm nghèo; Phát triển y tế bền vững; Y - dược học; Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; Văn học với giá trị giải thưởng tăng dần theo từng năm.
Cụ thể, công trình Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với CTCP Việt Á thực hiện giữa lúc dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam và có thể bùng phát phức tạp. Trong khi, nước ta chỉ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ số lượng test vô cùng ít ỏi (50 test cho cả nước).
Bên cạnh đó, một số bộ test chẩn đoán bị lỗi, cần nhiều thao tác nên có khả năng sai sót khi chẩn đoán phát hiện SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế trang thiết bị y tế và vật tư hóa chất sinh phẩm bán ra nước ngoài.
Bộ sinh phẩm real-time RT-PCR ra đời có những ưu điểm vượt trội là cho phép rút ngắn thời gian xét nghiệm (2-3 giờ) với độ nhạy cao hơn. Với số lượng test được sản xuất sẽ giúp dự trù một cơ số đủ lớn, sẵn sàng đáp ứng cũng như phản ứng nhanh khi có nhu cầu xét nghiệm những trường hợp nghi nhiễm, tránh bỏ sót ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là khi dịch bùng phát mạnh mẽ.
Bộ sinh phẩm real-time RT-PCR cũng có giá thành thấp hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế và ứng phó với tình huống cấp thiết khi dịch bùng phát đến đỉnh ở Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, bộ sinh phẩm đã được sản xuất trên 200.000 test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 ở 63 trung tâm, bệnh viện lớn trên cả nước như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, CDC Hà Nội, Đà Nẵng... Ngoài ra, 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm và đã xuất khẩu 19.700 test.
Với công trình Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam được nhóm tác giả của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng đến từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thực hiện. Đây là một công trình được nghiên cứu trong suốt hơn 20 năm (từ năm 1999-2020) với những tính năng vượt trội như: Quá trình sấy được tiến hành ở điều kiện nhiệt độ nguyên vật liệu ẩm thấp, dưới điểm nước kết tinh (dưới 0 độ C) trong môi trường chân không gần như tuyệt đối nên sản phẩm sau khi sấy giữ lại toàn bộ tính chất tự nhiên và bảo toàn chất lượng ban đầu mà không thể có phương pháp nào làm được.
Hiện, công trình đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong ngành dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch trên toàn quốc và các nước Đông Nam Á. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho xã hội, mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Đây là giải thưởng mang ý nghĩa lớn, góp phần ghi nhận và khích lệ các nhà khoa học tiếp tục đóng góp các công trình nghiên cứu và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của con người.
"Hy vọng rằng tới đây, giải thưởng này sẽ được lan tỏa, nhiều nhà khoa học sẽ được phát hiện và công nhận", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận