Cách đây vài ngày, tôi và một người bạn cùng đưa con đi ăn tối. Con trai của chị ấy năm nay 2 tuổi.
Khi ăn, cậu bé nghịch ngợm tương cà rồi vẩy khắp nơi, văng lên cả chiếc váy trắng của mẹ. Thấy như vậy, chị bạn này tức giận, hét lớn rồi đánh vài cái vào mông của thằng bé.
Có một điều khiến tôi bất ngờ, đó là cậu bé vừa khóc vừa dang tay đòi mẹ ôm. Tất nhiên, người mẹ lúc này đang bực bội nên chẳng còn tâm trạng nào để ôm con trai mình.
Lúc đó, tôi chợt nghĩ, tại sao người mẹ đánh đau như vậy mà cậu bé vẫn muốn ôm mẹ mình?
Ảnh minh họa.
Sau này, khi tìm hiểu nguyên nhân, tôi mới chợt nhận ra rằng, bởi khi trẻ còn nhỏ, thế giới của chúng chỉ biết mỗi mẹ, không có ai khác có thể dựa vào cả.
Dù mẹ có làm gì đi chăng nữa, chúng vẫn tìm kiếm sự an toàn và tình thương từ họ. Bố mẹ càng mắng mỏ, con cái càng muốn cầu cứu và khao khát sự bao bọc hơn.
Một đứa trẻ khi con nhỏ cũng giống như chú vịt con mới sinh, nó chỉ biết theo mẹ một cách vô thức. Con người cũng vậy, thế nên trẻ nhỏ bám theo mẹ cũng là điều dễ hiểu.
Nếu con cái nghịch ngợm bị mẹ đánh, có thể mất vài phút sau đó trẻ sẽ đến và xin lỗi mẹ.
Thế nhưng, nếu trẻ đánh lại mẹ, có lẽ một số người mẹ sẽ không quan tâm tới con mình trong thời gian lâu hơn.
Có thể nói rằng, giữa bố mẹ và con cái tồn tại một mối quan hệ không công bằng. Chính vì khi con cái còn nhỏ, chúng yêu thương bố mẹ một cách vô điều kiện nên một số bố mẹ coi nhẹ việc mình la mắng, đánh đập, làm tổn thương con cái.
Trẻ bị tổn thương nặng sau khi bị bố mẹ đánh mắng
Khi bố mẹ càng tỏ ra tức giận, con cái càng sợ hãi và càng muốn bám vào bố mẹ hơn. Ngay cả khi trẻ khóc lóc, đau đớn, chúng vẫn muốn đuổi theo, van xin mẹ đừng giận, đừng bỏ rơi chúng.
Trước năm 3 tuổi là giai đoạn trẻ luôn cảm thấy bất an và phụ thuộc vào bố mẹ nhiều nhất. Khi trẻ còn nhỏ, mọi việc chúng cần dựa dẫm vào bố mẹ.
Vì thế, ngay cả khi bố mẹ giận con cái, chúng vẫn sẽ yêu thương vì không còn ai khác để tin tưởng dựa vào.
Sự phụ thuộc của con cái chỉ tồn tại trong vài năm đầu đời. Những lần bị bố mẹ đánh đập, la mắng sẽ dần trở thành một phần trong ký ức của trẻ.
Khi con cái còn nhỏ, đó cũng là lúc chúng tích lũy tình cảm, tình yêu thương của bố mẹ chính là nền tảng vững chắc trong cuộc đời của một đứa trẻ.
Nếu sau mỗi lần bị đánh mắng như vậy, bố mẹ không an ủi, xoa dịu con cái, trái tim chúng sẽ dần dần khép lại.
Sau này khi lớn lên, chúng sẽ trở thành một người thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, khó giao tiếp với người khác.
Bố mẹ đừng để lại những tổn thương tâm lý không thể xóa nhòa trong ký ức con cái
Có một người đàn ông đã ngoài 30 tuổi nhưng thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm và muốn tự tử.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta phát hiện ra nó liên quan tới một vấn đề nhỏ trong thời thơ ấu.
Người này kể lại rằng, lúc nhỏ từng bị một người thầy đánh tới mức chảy cả máu mũi.
Thế nhưng, khi về nhà kể lại với bố mẹ, họ nói rằng anh đã làm sai việc gì đó nên mới bị đánh như vậy, giáo viên tại sao không đánh người khác mà lại đánh anh.
Ảnh minh họa.
Sau đó, anh không còn nói chuyện gì nhiều với bố mẹ của mình nữa. Anh nghĩ rằng, việc mình bị đánh chẳng quan trọng gì với bố mẹ, họ lại trách móc thêm.
Thế nhưng dù vậy, mỗi khi khó khăn, người đầu tiên anh nghĩ vẫn là bố mẹ mình.
Có một lần nữa, khi đang học trong lớp thì anh bị một bạn học phía sau trêu chọc. 2 bên gây gổ với nhau, còn động tay động chân. Khi cô giáo tới, anh nói mình không làm gì sai, không muốn xin lỗi.
Sau đó, cô giáo yêu cầu anh mời phụ huynh. Anh vẫn nghĩ mẹ mình sẽ bênh vực hoặc đứng về lẽ phải, thế nhưng khi đến trường bà lại tin lời cô giáo, cho rằng anh là người gây ra sự việc.
Có lẽ nhiều người đã trải qua trường hợp như vậy khi họ còn đi học. Khi một học sinh gây bất hòa trong lớp và bị mời phụ huynh, bố mẹ thường nghĩ rằng lỗi là do con mình.
Tuy nhiên, điều khiến một đứa trẻ thực sự buồn không phải ai đúng ai sai mà chính là cách cư xử của bố mẹ.
Khi hơn 30 tuổi, cái bóng và nỗi ám ảnh tuổi thơ vẫn cứ đeo bám anh cho tới lúc lập gia đình, sinh con và ly hôn, rồi tới ngày quyết định tự tử.
Tối hôm đó, anh gọi điện về cho mẹ mình, nhờ bà chăm sóc đứa cháu sau khi anh qua đời.
Cuộc gọi này giống như một cuộc gọi từ biệt nhưng nó thực sự là một cuộc gọi cầu cứu.
Anh vẫn tiếp tục gọi vài cuộc như thế nữa. Biết mẹ hờ hững nhưng vẫn cầu cứu. Biết rằng mẹ sẽ cúp máy nhưng vẫn tiếp tục gọi.
Đàn ông dù 30 tuổi, đã có gia đình và có con nhưng vẫn luôn muốn được bố mẹ mình yêu thương và công nhận.
Đánh trẻ chỉ để trút cơn tức giận của bố mẹ, không phải là cách giáo dục con cái
Trong những năm tháng đầu đời của một đứa trẻ, tính cách chúng vẫn chưa hình thành, vì vậy bố mẹ càng cần phải tránh làm tổn thương tâm lý con cái.
Nếu mỗi khi con cái nghịch phá, bạn muốn quát mắng hay đánh, hãy xem trẻ như chính bạn lúc thuở nhỏ. Đứa trẻ đó không phải ai khác mà chính là phiên bản thu nhỏ của bố mẹ.
Bạn có ký ức nào trong thời thơ ấu và mãi cho đến khi trưởng thành vẫn không thể nào quên không?
Một đứa trẻ hoàn toàn không có sức phản kháng lại bố mẹ mình, chúng yếu ớt và chỉ biết chịu đựng sự đau đớn bố mẹ gây ra.
Một người mẹ khi sinh con ra đều trải qua một quá trình đau đớn. Thế nhưng khi con cái lớn dần, họ lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn: tức giận – trút giận – hối hận – tức giận – hối hận lần nữa…
Nếu bạn đã từng như vậy và nhìn thấy khoảnh khắc đứa con của mình vừa khóc, vừa chạy theo mẹ, van xin mẹ đừng bỏ rơi chúng, hình ảnh tội nghiệp đó có lẽ sẽ khiến cho bạn thay đổi suy nghĩ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận