Đại diện Vietnam Airlines cho biết, ủng hộ đề xuất bỏ giá trần vé máy bay để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng
Cục Hàng không VN vừa bất ngờ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên. Điều này khiến không ít người nghi ngại các hãng sẽ “bắt tay” đẩy giá vé máy bay, bắt chẹt khách hàng.
Vì sao bỏ trần giá vé?
Tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng VN, Cục Hàng không VN đề nghị sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Trong trường hợp đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Với đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc trần giá vé máy bay được gỡ bỏ.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay, dịch vụ vận chuyển hàng không có tính mùa vụ cao. Chuyến bay mùa cao điểm, có giờ “đẹp” sẽ có nhiều hành khách mua vé.
Thậm chí, khách sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu. Ngược lại, chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn thường có giá vé phù hợp nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ.
Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10 - 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói.
Với sự tham gia ngày càng nhiều các hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.
“Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, không có sự thông đồng, thỏa hiệp, để thị trường tự điều tiết. Còn nếu có bất cập, Nhà nước đương nhiên sẽ có biện pháp can thiệp, kiểm soát”, vị này nói.
Thị trường sẽ tự điều tiết
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, cơ chế thị trường thì cần vận hành theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp tham gia thị trường phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lời ăn, lỗ chịu, tất cả đều do cách tiếp cận thị trường, vận hành doanh nghiệp.
Về ý kiến e ngại việc bỏ giá trần có thể dẫn đến tình trạng các hãng hàng không “bắt tay” nhau đẩy giá, hành khách bị thiệt, ông Kỳ cho rằng, khách đi máy bay biết rõ mức giá nào hợp lý.
“Giờ không chỉ còn một, hai hãng mà đã có thêm nhiều “người mới”. Hãng hàng không sẽ phải tự cân nhắc mức giá đưa ra như thế nào để được thị trường chấp nhận, được hành khách lựa chọn. Người cầm “roi” chính là khách hàng. Đẩy giá cao, khách sẽ “phạt” không đi, khi đó doanh nghiệp có tồn tại nổi không?”, ông Kỳ đặt câu hỏi.
Cũng ủng hộ bỏ giá trần, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, hiện ngành hàng không Việt Nam chưa có các cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không. Để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, Vietnam Airlines ủng hộ đề xuất bỏ giá trần vé máy bay.
Ở góc độ hành khách, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (trú tại Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên đi công tác bằng máy bay.
“Tôi không rõ mức giá trần quy định trên đường bay Hà Nội - Sài Gòn là bao nhiêu, nhưng rõ ràng có lúc tôi phải bỏ tới hơn 7 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi, có lúc chỉ hơn 1 triệu đồng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi nhà nước áp trần giá vé máy bay thì không phải lúc nào giá cũng kịch trần. Tuy thời gian, tùy nhu cầu mà giá vé khác nhau. Vì vậy, tôi cho rằng việc áp hay không áp giá trần với tôi không quan trọng. Nếu giờ bay hợp lý, hãng nào cung cấp giá rẻ hơn, chất lượng vẫn thế thì tôi chọn”, chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, chị Vũ Thu Phương (Hà Đông, Hà Nội) nói: “Tôi không quan tâm giá trần hay giá sàn mà tôi chỉ quan tâm giá đó có vừa túi tiền của mình hay không. Giờ nhiều hãng, lắm lựa chọn. Có người muốn dịch vụ tốt và sẵn sàng trả giá cao song cũng có người chỉ cần bay đến nơi, dịch vụ tối thiểu để giảm tối đa chi phí. Cơ chế thị trường rồi thì để thị trường điều tiết”.
Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ 1 chiều vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản tối đa như sau:
- Đối với khoảng cách đường bay dưới 500 km:
+ Nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội: 1.600.000 đồng/vé.
+ Nhóm đường bay khác dưới 500km: 1.700.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 500 km đến dưới 850 km: 2.200.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 850km đến dưới 1.000km: 2.790.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km: 3.200.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên: 3.750.000 đồng/vé.
Giá vé trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả, trừ: Thuế GTGT; Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; Giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận