Chất lượng sống

Bỏ trống chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới

12/11/2018, 08:04

Khát khao được là chính mình, nhiều người chuyển giới đã mạo hiểm phẫu thuật và sử dụng hormone để có cơ thể...

17

Tố An trong một buổi chia sẻ về cộng đồng LGBT

Tá hỏa vì chảy máu vùng kín

Trở về nước sau lần phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn cơ thể vào năm 2014, Nguyễn Huỳnh Tố An (TP Hồ Chí Minh), một người chuyển giới nữ nổi tiếng trong giới LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới nam hoặc nữ) chia sẻ cảm thấy mãn nguyện khi được là chính mình. Tuy nhiên, sau cuộc đại phẫu, chị rất lo lắng khi vùng kín có hiện tượng chảy máu.

Dù muốn quay lại Thái Lan chữa trị nhưng do đã dốc hết tiền cho cuộc đại phẫu nên Tố An đành tìm đến các bệnh viện trong nước. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được cái lắc đầu khi đến với những cơ sở y tế đầu tiên chỉ vì một lý do “lo ngại không có chuyên môn trong việc điều trị hậu phẫu đối với người chuyển giới nữ”.

Hiện dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để trình Quốc hội ban hành, trong đó có bao hàm cả quyền lợi được khám chữa bệnh của người chuyển giới cũng như những quy định trách nhiệm, chuyên môn của các cơ sở y tế với nhóm bệnh nhân này.

Vận dụng mọi mối quen biết, Tố An mới tìm được một bác sĩ của một bệnh viện chấp nhận thăm khám và điều trị cho mình. “Thật may mắn khi bác sĩ cho biết, những vệt máu đó là máu khô còn sót lại trong cơ thể sau hậu phẫu, do đi đứng vận động nhiều nên chảy ra, không có gì đáng lo ngại”, An cho hay. Cũng từ đó, bệnh viện này đã trở thành địa chỉ Tố An rỉ tai những người chuyển giới khác đến khám. Đồng thời, với kinh nghiệm của người đi trước, Tố An cũng chỉ cách vệ sinh, chăm sóc cơ thể cho các chị em chuyển giới khác.

Tố An chia sẻ, nhiều trường hợp chuyển giới nữ thường qua Thái Lan phẫu thuật hoàn toàn, tuy nhiên, không ít người đã gặp vấn đề về sức khỏe sau hậu phẫu. Nhưng điều đáng nói, việc chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam không được đáp ứng, Tố An dẫn chứng về một bạn chuyển giới nữ bị nhiễm trùng đường tiểu, bóng đái sau phẫu thuật chuyển giới. Dù đã đến một bệnh viện và được xử trí dẫn lưu nước tiểu ra cho bóng đái bớt căng nhưng lúng túng không biết xử trí tiếp theo như thế nào nên đành bay lại Thái Lan. “Tuy nhiên, đây là trường hợp rất may mắn có điều kiện kinh tế bay sang Thái Lan để xử lý”, An cho hay.

Ngoài ra, để thay đổi vóc dáng, Tố An cho biết, các bạn chuyển giới đều sử dụng hormone xách tay về tự tiêm hoặc tiêm cho nhau. Riêng Tố An tự đặt hormone xách tay ở Thái Lan với số lượng lớn để tiêm hàng tháng và tiêm cho những bạn chuyển giới khác.

“Hiện, không có cơ sở y tế nào chính thức nhập hormone và dám thực hiện việc tiêm hormone cho người chuyển giới. Vì vậy, đã có những trường hợp tự tiêm hormone gây nghẽn mạch máu tử vong. Riêng với Tố An đã từng bị áp xe nhiễm trùng phải mổ, để lại vết sẹo lớn trên cơ thể. Mấy năm trước, tụi mình nghe thông tin đó thì sốc, sợ và ám ảnh lắm nhưng vì khát khao thay đổi, tụi mình phải chấp nhận đối mặt”, Tố An bày tỏ.

Bị cả bác sĩ kỳ thị

Còn với Đỗ Tây Hà (TP Hồ Chí Minh), một người nam chuyển giới nữ, chưa phẫu thuật hoàn toàn cho biết, trở ngại lớn nhất khi cô đi khám ở các cơ sở y tế là bị yêu cầu xuất trình giấy tờ. “Họ luôn thắc mắc tại sao trên giấy tờ là nam mà trên thực tế tôi lại là nữ. Vì vậy, dù có bệnh tôi cũng rất ngại tới bệnh viện khám vì bị hỏi nhiều lắm, họ tò mò về cơ thể tôi”, Hà chia sẻ.

Tương tự, Uyên Minh, sinh viên 21 tuổi, là người chuyển giới nam cho biết, cách đây không lâu, anh bị chấn thương chân. “Khi vào BV cấp cứu, các y bác sĩ cứ hỏi đi hỏi lại: Cậu là nam hay nữ? Nữ mà sao ăn mặc kỳ vậy, tại sao lại xăm hình?. Dù tôi giải thích mình là người chuyển giới nam nhưng ngay cả các y bác sĩ cũng tỏ thái độ kỳ thị. Sau này nếu bị bệnh chưa tới mức phải đi cấp cứu, tôi đều tự ra nhà thuốc Tây mua thuốc để tránh bị soi mói”, Minh chia sẻ.

Theo Uyên Minh, nhiều bạn bè của anh không có điều kiện qua Thái Lan đã chấp nhận đi phẫu thuật chui ngay trong nước, chịu nhiều biến chứng và hậu quả, hối hận thì đã muộn. Bởi, các bác sĩ ở Việt Nam làm chui không có hồ sơ, sổ sách về bệnh nhân nên việc thống kê phục vụ nghiên cứu về y tế gần như không có.

Theo SCDI, tại Việt Nam, tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới đang ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới. 

Nhìn nhận về vấn đề này, BS. Nguyễn Tấn Thủ, chuyên hỗ trợ mạng lưới người chuyển giới cho rằng: “Nhu cầu tiếp cận cơ sở y tế của người chuyển giới cũng như những người khác nhưng họ lại gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thấu hiểu. Vì vậy, người chuyển giới vẫn đã và đang tự tách và cô lập chính mình. Mới đây, tôi tiếp xúc một bệnh nhân tự tìm chỗ làm ngực và bị áp xe ngực do bơm silicon không rõ nguồn gốc, chịu nhiều biến chứng”.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: “Do chưa công nhận giới tính thứ ba nên không ít người chuyển giới vì quá mong được là chính mình phải đối diện nhiều rủi ro về sức khỏe khi sử dụng hormone không được kiểm soát và đăng ký lưu hành, tìm đường ra nước ngoài phẫu thuật chui. Đó là chưa kể khi sang nước ngoài phẫu thuật về có biến chứng, người chuyển giới tìm đến các cơ sở khám bệnh ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này nên thăm khám không hiệu quả”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.