Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an |
Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là việc nên hay không đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Theo bà Nga, có 2 loại ý kiến xung quanh quy định này, một ý kiến không tán thành vì lo ngại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ý kiến thứ hai tán thành nhưng cho rằng cần quy định chặt chẽ các điều kiện.
Đại diện phía cơ quan soạn thảo Luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trại giam thường xuyên có sự phân loại, đánh giá phạm nhân để chia ra các đối tượng khác nhau.
Một là đối tượng thường xuyên chống đối, tìm mọi cách vi phạm pháp luật. Đây là loại phạm ngân nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, thậm chí còn “chỉ đạo ra bên ngoài”, không chịu cải tạo. Thứ hai là loại phạm nhân “lưng chừng”. Còn loại ba là những người rất tích cực, chấp hành tốt, luôn mong mỏi được đánh giá, được tha tù trước thời hạn. Bộ trưởng Công an cho biết số phạm nhân này rất đông.
Vì vậy, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, không thể đánh đồng được các loại phạm nhân được, có những phạm nhân không bao giờ được ra ngoài tham gia lao động.
“Đây là vấn đề này rất phức tạp, vì đây là thi hành án hình sự chứ không phải vấn đề dân sự” - ông Lâm lưu ý.
Đối với khu sản xuất, điểm lao động, trong trại giam thì quy định rồi, nhưng bây giờ sửa luật là ở ngoài phạm vi trại giam. Vấn đề này luật chưa quy định, nhưng theo ông Lâm, thực tế đã làm rồi và giờ đưa vào luật.
“Dạy nghề cho lao động ngoài trại giam nhưng phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đầy đủ việc giam giữ, công khai, minh bạch việc phân phối kết quả lao động một cách hợp lý... Anh em ở đây cũng phải chịu trách nhiệm, nếu không đảm bảo an ninh trật tự thì không thể làm”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tô Lâm, những vấn đề như về giới tính, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động... tất cả đều phải quy định và nên giao cho Chính phủ quy định, phải tuân thủ các luật đang có, đang thực hiện.
Đề cập đến quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, Bộ trưởng Công an cho rằng, họ đã bị cách ly và hạn chế quyền tự do, nhất là quyền tự do đi lại, nên một số quyền công dân khó đảm bảo đầy đủ như công dân bình thường ngoài xã hội. Phạm nhân đi phải xin phép, ra ngoài phải có người chịu trách nhiệm.
“Có ý kiến giỗ bố, giỗ mẹ, hay cưới con, cháu thì phạm nhân có được về không? Đúng luật là không, nhưng người ta cải tạo tốt thì có được phép hay không?” – ông Lâm đặt vấn đề và khẳng định, dù đó là quyền nhưng vi phạm là không được.
Ông ví dụ quyền sinh con trong trại giam, quyền hiến tạng, giữ tinh trùng... trên thực tế rất khó khăn, không thể như bình thường được. Hay “phòng hạnh phúc”, phạm nhân được gặp vợ, gặp chồng nhưng phải cam kết không được sinh con, song trên thực tế quản lý rất khó.
“Tôi nhận được thông tin từ cử tri, nói trong điều kiện KTXH hiện nay, quy định như này là cao quá. Quy định như vậy quá nhân đạo rồi, quốc tế đánh giá cao rồi. Có ý kiến nói đi tù được chế độ như thế thì thà đi tù còn hơn. Vì thế, không thể tạo ra sự khuyến khích như vậy mà phải có bước đi phù hợp”, ông Lâm nêu quan điểm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý. Hầu hết các trại giam này đều đóng trên các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư, tìm kiếm việc làm để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân.
Tổng kết thực tiễn của Bộ Công an cũng cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận