Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Sáng 28/7, theo kết quả phê chuẩn của Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chính thức tái đắc cử Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bên hành lang Quốc hội, ông Dũng đã chia sẻ với báo giới về chương trình hành động cũng như những thách thức đặt ra với mình trong nhiệm kỳ này.
Ông Dũng nói: “Trong giai đoạn tới, những thách thức về mặt tài chính ngân sách sẽ có rất nhiều, trong đó có một số nội dung rất quan trọng gắn với an ninh, an toàn tài chính quốc gia như vấn đề tiến hành tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tái cơ cấu chính sách thu - chi để đảm bảo cơ cấu chi hợp lý của dự toán ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, phải đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh tài chính gắn với đảm bảo an toàn nợ công”.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp và không thuận lợi, chúng ta phải điều chỉnh lại chính sách thu để vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Chúng ta rà soát tổng thể các chính sách chi để tiến tới đảm bảo yêu cầu dành thích đáng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên cũng như đảm bảo nguồn vốn để trả nợ những khoản mà lâu nay chúng ta đã vay. Mặt khác, phải siết chặt đầu tư công, đặc biệt là hiệu quả của các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, từ nguồn vốn vay ODA, Trái phiếu Chính phủ…
Từng bước công khai nợ công
Vậy giảm áp lực chi tiêu công có phải là một trong những ưu tiên hành động của ông trong nhiệm kỳ mới hay không?
Chúng ta phải có đề án tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Không có nghĩa là chúng ta giảm chi tiêu một cách đột ngột mà giảm chi tiêu thường xuyên phải gắn với hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi tiêu, gắn với cải cách đồng bộ tổ chức bộ máy, triển khai đồng bộ đề án, Nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công.
Về nợ công, chúng ta đã từng bước công khai và việc công khai này rất quan trọng để đề ra các giải pháp nhằm nâng cao khả năng trả nợ, bố trí nguồn lực trả nợ, quản lý sử dụng nợ công hiệu quả hơn.
Thời gian qua, dư luận rất bức xúc với tình trạng tham nhũng trong ngành Thuế, Hải quan. Trong nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để xử lý dứt điểm?
Công bằng mà nói, trong thời gian qua, nhất là 2- 3 năm gần đây, các cải cách trong ngành Thuế, Hải quan rất mạnh mẽ. Điều này, người dân và các doanh nghiệp cũng đã thừa nhận và ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, đổi mới, vì chúng ta đổi mới về cơ chế quản lý nên còn nhiều khó khăn với bộ máy khá lớn từ T.Ư đến cấp huyện. Như hiện nay, bộ máy thuế từ T.Ư đến cấp huyện rất đông, nên trong quá trình đổi mới, cải cách, chúng tôi tập trung rà soát các quy định về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế, hải quan.
Vừa qua, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khi tiến hành giám sát quy trình này cũng đã ghi nhận sự thay đổi tích cực. Nhưng tới đây, chúng tôi vẫn rất cần sự giám sát của người dân, doanh nghiệp, kể cả giới truyền thông. Trong quá trình triển khai, chúng tôi vẫn biết có một thực tế là “con sâu làm rầu nồi canh” và những “con sâu” đó sẽ bị xử lý rất nghiêm minh, vi phạm đến mức xử lý pháp luật thì xử lý pháp luật, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Trong mấy năm vừa qua, chúng tôi đã luân chuyển hơn 10 nghìn cán bộ và quá trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã xử lý trên dưới 300 cán bộ, công chức vi phạm về hành chính.
Tôi muốn nói về mặt cải cách, đã làm là sẽ quyết tâm làm tiếp. Chúng ta đã có những kế hoạch triển khai rất tốt, rất cụ thể như: Nghị quyết 19 của Chính phủ, Nghị quyết 35 của Chính phủ và gần đây nhất là Nghị quyết 60 của Chính phủ về vấn đề đẩy mạnh giải ngân cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tin rằng, cùng với thời gian thì sự chuyển biến trong ngành Thuế, Hải quan sẽ bắt nhịp kịp sự đổi mới của đất nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Nhưng thời gian qua, cũng vẫn còn nhiều ý kiến về việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực này còn quá ít, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật, cán bộ sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó, theo nhiều mức như: Khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc, hạ bậc lương, ngạch lương... Tôi nghĩ là không phải ít hay nhiều, mà quan trọng là mình phát hiện đến đâu, xử lý đến đó và phải xử lý nghiêm minh, đúng mức.
Đương đầu với khó khăn là tinh thần cốt lõi
Là bộ trưởng của một bộ được cho là “giữ túi tiền quốc gia” đã qua một nhiệm kỳ, trong 5 năm ấy, chắc hẳn ông cũng gặp rất nhiều áp lực?
Nếu nói đã qua 5 năm thì cũng chưa đúng, chính xác thì mới hơn 3 năm về thời gian. Bối cảnh đất nước ta đang đặt ra nhiều yêu cầu về hội nhập, phát triển, điều kiện kinh tế trong nước thời gian qua cũng đã có bước hồi phục, từng bước ổn định và điều đó cũng thể hiện qua việc triển khai dự toán thu ngân sách Nhà nước hàng năm, thu ngân sách phản ánh tình hình kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, áp lực về chi tiêu của chúng ta quá lớn, đặc biệt chúng ta phải triển khai các Nghị quyết của Đại hội Đảng trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, kể cả chi cho quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới.
Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, cân đối ngân sách Nhà nước là cân đối lớn nhất trong các cân đối vĩ mô.
Nhiệm kỳ trước, khi mới đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã khẳng định không ngại đương đầu với khó khăn. Còn nhiệm kỳ này thì sao?
Có thể nói đương đầu với khó khăn là tinh thần cốt lõi. Nhiệm kỳ này, tôi thấy càng tự tin hơn bởi công việc của mình, tôi đã nắm bắt tốt hơn. Bên cạnh đó, trước những khó khăn, Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước luôn chia sẻ, thông cảm với tình hình tài chính, ngân sách của quốc gia bối cảnh hiện tại.
Chúng tôi cũng rất tin tưởng Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các chương trình hành động của Chính phủ nên đó cũng sẽ là tiền đề để chúng tôi giải quyết khó khăn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận