Xã hội

Bộ trưởng Tài chính nói gì trước phản ánh mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu?

Trước phản ánh của cử tri về mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có lý giải về nội dung này trước Quốc hội.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10/2025

Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009. Khi đó, giảm trừ gia cảnh khoảng 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Khi sửa đổi luật này năm 2013, giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng, khi CPI biến động trên 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để điều chỉnh.

Đến năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết điều chỉnh việc giảm trừ gia cảnh này.

Bộ trưởng Tài chính nói gì trước phản ánh mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

"Hiện nay, với những người có người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập. Người có hai người phụ thuộc thì có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế thu nhập", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu.

"Như vậy, giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Bên cạnh đó, CPI theo số liệu của Tổng cục Thống kê chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật", ông Phớc cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hiện nay UBTVQH đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.

“Nếu UBTVQH quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp”, ông Hồ Đức Phớc thông tin.

Bộ trưởng Tài chính nói gì trước phản ánh mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay

Trước đó, trong sáng nay (29/5), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, theo quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng.

"Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu mỗi tháng là quá lạc hậu; cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm mà không nên chờ đến 2 năm nữa, tức là 2026 mới được thông qua như dự kiến", bà Nguyễn Thị Thuỷ nói.

Phân tích cụ thể, nữ đại biểu cho rằng, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng mỗi tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là các thành phố lớn, gây thiệt hại cho người nộp thuế.

Và mức giảm trừ 4,4 triệu đồng này cũng được duy trì từ năm 2020, trong khi vừa qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng. Thậm chí có mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê, so với năm 2020 thì giá dịch vụ giáo dục tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%…

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay cũng không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu của các gia đình.

Nếu như gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men. 

Do đó, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay.

Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất sẽ có rất nhiều người dân phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó là sự bất hợp lý trong tính theo rổ hàng hóa CPI. Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. 

Tại họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì biến động CPI chưa đến 20%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.