Chuyện dọc đường

Bỏ tư duy “phạt nặng sợ... dân nghèo”

03/03/2020, 09:04

Kết quả triển khai thực hiện Nghị định 100 trong 2 tháng vừa qua đã cho thấy tư duy phạt nặng sợ dân nghèo là hết sức sai lầm.

img
Một trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý

Trước đây, khi xây dựng các quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ, không ít ý kiến cho rằng cần cân nhắc mức phạt, bởi nếu quá cao sẽ không phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân nói chung, ảnh hưởng tới những người lao động nghèo, người dân vùng nông thôn, miền núi...

Tựu chung, đa phần những ý kiến này đều lấy sự nghèo khó của một bộ phận người dân để biện minh cho quan điểm không nên tăng mức xử phạt quá cao. Có ý kiến còn dẫn chứng các nước phát triển xử phạt nặng vi phạm giao thông là do thu nhập của họ gấp nhiều lần chúng ta...

Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện Nghị định 100 trong 2 tháng vừa qua đã cho thấy tư duy đó là hết sức sai lầm.

Chỉ trong 2 tháng thực hiện, các vụ TNGT, số người chết vì TNGT, nhất là TNGT liên quan đến rượu, bia đã giảm rất mạnh. Ý thức của người tham gia giao thông cũng được nâng lên rất rõ rệt, ai ai cũng nhắc nhau đã uống rượu, bia thì không lái xe để tránh bị phạt nặng.

Văn hóa uống rượu, bia cũng đã chuyển biến nhanh chóng, khi không nhiều người còn có thể ép được nhau trên bàn nhậu. Hàng loạt nhà hàng, quán nhậu đã không còn tấp nập như trước.

Nếu không tăng mức phạt lên tới 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm đối với hành vi uống rượu, bia lái xe, thử hỏi làm sao có được những thay đổi đó? Và thậm chí, mức phạt này vẫn còn là nhẹ, khi mà ở nhiều nước, hành vi uống rượu, bia lái xe còn bị phạt tù, cấm lái xe vĩnh viễn.

Vì sao những người hay viện dẫn thu nhập của người dân các nước khác chúng ta nên không thể xử phạt nặng như họ, lại lờ đi những điều này?

Nói cách khác thì khi ý thức được mình sẽ phải trả giá rất đắt nếu coi thường pháp luật, tôi cho rằng rất ít người dám vi phạm. Bởi thế mà việc tăng nặng mức xử phạt là không có gì cần phải bàn cãi thêm nữa, nó chỉ góp phần tác động vào ý thức, làm thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực cho bản thân mỗi người tham gia giao thông, cho gia đình họ và cho cả cộng đồng mà thôi.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là hiện nay, nhiều hành vi khác cũng đã được tăng mức xử phạt, nhưng xem ra vẫn chưa đủ răn đe, chẳng hạn các hành vi như đi lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; sử dụng điện thoại khi lái xe; không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô... không hề có xu hướng giảm.

Chưa kể, thực tiễn cũng đã nảy sinh một số bất cập mà hành vi vi phạm chưa có chế tài xử lý. Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi là rất cần thiết.

Đi đôi với chế tài nghiêm khắc, việc phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, minh bạch, công khai cũng rất quan trọng. Bởi, dù luật có nghiêm đến đâu đi nữa mà lực lượng thực thi thiếu trách nhiệm thì hiệu quả, hiệu lực trong thực tế sẽ không đạt được, người dân vẫn sẽ “nhờn” luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.