Y tế

Bộ Y tế đề xuất loạt giải pháp phòng chống dịch Covid-19, có gì mới?

15/07/2021, 17:12

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp...

Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị mới về tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch với khoảng 30.000 ca mắc, trong đó 27.895 ca ghi nhận trong nước, 9.878 người khỏi bệnh và 138 ca tử vong. Qua mỗi đợt, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng.

img

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác

Khoanh vùng dịch không máy móc theo địa giới hành chính

Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước.

Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.

Dự thảo chỉ thị mới về phòng chống dịch COVID-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần "chống dịch như chống giặc", tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đặc biệt bảo đảm vật tư tại chỗ, sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Dự thảo Chỉ thị mới về chống dịch COVID-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp. Đặc biệt, việc khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể và không máy móc theo địa giới hành chính, bảo đảm việc phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản ở khu vực cách ly, phong tỏa...

Đối với địa bàn trong trạng thái bình thường mới chỉ áp dụng nghiêm thông điệp "5K" (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu nhà trọ, ký túc xá, cơ sở khám, chữa bệnh, các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chủ động xét nghiệm tầm soát tại các địa điểm tập trung đông người như các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường hợp có triệu chứng trong cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.

Địa bàn nguy cơ cao: Người dân hạn chế di chuyển

Tại dự thảo Chỉ thị, Bộ Y tế cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh.

Theo đó, địa bàn có nguy cơ: Bên cạnh áp dụng biện pháp "5K" sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những người có nguy cơ. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đối với các sự kiện bắt buộc phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải bảo đảm đầy đủ các quy định của cơ quan y tế trên địa bàn. Lễ hiếu, hỷ, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải được các cơ quan y tế giám sát chặt chẽ và phải hạn chế tổ chức ăn uống.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) được hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường...) và các cơ sở khác theo quyết định...

Những khu vực có nguy cơ cao: Buộc phải dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tập trung 10 người trở lên ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Bên cạnh đó, hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ khu vực có nguy cơ cao đến các địa phương khác. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ vùng đang có dịch tại cộng đồng đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, giảm mật độ giao thông, số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng. Giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến. Điều chỉnh lịch học, trường hợp cần phải điều chỉnh vượt quá khung kế hoạch thời gian năm học thì phải thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với địa bàn nguy cơ rất cao: Áp dụng phong tỏa, cách ly y tế tập trung, giãn cách xã hội 14 ngày. Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn...

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; bố trí, cung cấp đầy đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu đến các khu/cụm dân cư...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.