Minh họa: K.Linh |
Chị đi công tác nước ngoài nửa tháng, gửi gắm lại cho Vy căn nhà nhỏ ngoại ô, mấy giỏ phong lan treo ngoài hiên, vài cuốn sách đã đặt hàng nhưng chưa lấy. Chị nghĩ ngợi một lúc xem còn thiếu thứ gì chưa dặn, cuối cùng ồ lên một tiếng:
- Còn chuyện quan trọng lắm nè cưng. Chị gửi gã bồ già cho em cai quản. Lão mà lớ xớ là cho em quyền tự quyết.
- Em chỉ nhận kí gửi đồ đạc chứ không nhận trông trẻ. Nhất là cái loại trẻ con sống lâu năm, phiền lắm.
Chị bật cười, búng tay điệu nghệ rồi mất hút trong dòng người lúc tan tầm. Vy lắc chùm chìa khóa kêu lách cách mải nghĩ xem sẽ làm gì với “thánh địa” của chị ở ngoại ô. Đó quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi sau một thời gian dài Vy phải làm việc căng thẳng, nhất là khi căn bệnh đau nửa đầu ngày càng dữ dội. Ở đó đủ yên tĩnh để Vy chìm đắm trong thế giới của ngôn từ trên giá sách của chị chứa cả ngàn điều bí ẩn. Vy sẽ quậy tung nhà chị bằng mùi xào nấu, tiếng bát đũa xôn xao và âm thanh phát ra từ chiếc máy nghe nhạc cổ điển. Những kẻ cô đơn như Vy thỉnh thoảng thích khuấy động lên như sóng biển để tự vỗ về mình. Càng ủ ê tĩnh lặng bao nhiêu, càng nghe rõ từng cơn đau nhức buốt trong thân thể.
Lần nào đi công tác trở về, chị cũng đều mang theo một loại thảo mộc nào đó mong dịu cơn đau của Vy. Với chị, Vy mãi chỉ là đứa em gái nhỏ cần được chở che. Chị mở cửa cho Vy bước vào thế giới quá đỗi bình yên của chị. Chạm vào những khoảng trống vốn không thể lấp đầy để mà xót xa nhau giữa dòng đời hờ hững ngoài kia. Lúc ngồi lên xe buýt về ngoại ô, chợt nghĩ sao chị lại xa Hà Nội vào những ngày chớm lạnh. Hoa sữa bắt đầu thơm nhức nhối, chị bán hạt dẻ rang năm xưa đã xuất hiện trên vỉa hè chỗ gốc cây xà cừ trăm tuổi. Ấy là Vy mường tượng ra tán cây thôi chứ thật ra chỗ đó giờ chỉ còn khoảng trống…
Chị vội đi quá chắc là không kịp nhận ra mùa se lạnh đã về. Mùa này của nhiều năm về trước, chị tìm thấy Vy ngồi co ro trong góc quán nhỏ đối diện gốc xà cừ cổ thụ. Vy ngồi ngó ra đường, ngắm nghía và thèm muốn những ấm áp của người dưng đi ngang qua phố. Chị ngồi bên chảo hạt dẻ trò chuyện cùng mùi hương, nghịch ngợm ủ nắm hạt thơm trong bàn tay nhỏ nhắn. Rồi chị bước vào quán lúc nào không hay, lại gần và hỏi Vy có phải là cô gái viết cuốn sách về Diên? Làm cách nào chị nhận ra Vy? Đâu có, là chị nhận ra Diên đấy chứ. Đến tận bây giờ, Vy vẫn nhớ nắm hạt dẻ nóng hổi chị đút vào túi áo mùa đông của Vy. Chị bảo “cho Diên đấy”. Chị đến để Vy bớt cô đơn. Để thỉnh thoảng đang vui vẻ chuyện trò như bỗng nhớ ra điều gì quan trọng lắm vội quay lại hỏi: “Em có bao giờ ngủ đứng như Diên?”.
Chị thương Vy hay là thương nhân vật của Vy? Mà thật ra tất cả những trang sách Vy đều viết về cuộc đời mình. Chậm rãi thủ thỉ kể với nhân gian về nỗi cô đơn đang ngự trị. Chị nói, lần đầu tiên nhìn thấy em trong buổi ra mắt sách chị đã thấy thương cái dáng lủi thủi giữa đám đông. Thế nên, khi gặp lại bên góc quán nhỏ chị đã nhận ra em ngay. Để rồi gần 6 năm quen nhau, dù em có vui cười, có hào hứng, có khuấy động thì em vẫn không sao thoát khỏi sự lầm lũi ấy. Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, em có biết tại sao từng người tình cứ bỏ em đi? Là bởi vì, họ bất lực trước nỗi cô đơn bất tận ấy như là em sinh ra chỉ để thuộc về gam màu trầm. Phải có người nào đó khiến em vui chứ? Ừm. Chị cũng mong như thế. Chị nói vậy trong mùa sương năm trước…
* *
*
Vy đến nhà chị lúc trời đã nhập nhoạng tối. Đàn chim sẻ òa ra giữa lùm cây vỗ vào lòng Vy từng nhịp bình yên. Chị khôn thật, biết chọn một chốn an nhiên để trú ngụ, rũ bỏ lớp khói bụi mưu sinh. Cách trung tâm thành phố gần hai chục cây số thôi mà Vy tưởng như đã thoát tục rồi. Chị treo chuông gió ngoài hiên, tiếng chuông kêu lanh lảnh như tiếng chị cười. Vy ôm chú mèo tam thể rồi chìm vào giấc ngủ. Se sẽ hương hoa sữa từ đâu bay đến, không gian trong lành đến độ nghe thấy rõ cả tiếng thở của chú mèo. 8 giờ tối, Vy giật mình tỉnh dậy ngơ ngác nhìn ngôi nhà vắng lặng, những cánh cửa vẫn mở toang. Mở tủ lạnh, nấu một bữa ăn nhanh, chạm vào đâu Vy cũng thấy bàn tay chị. Giờ này chắc là chị đã ở một nơi rất xa xôi, lúc nào chị cũng là cánh chim kiêu hãnh. Vy vừa ngồi vào bàn ăn thì Khanh đến. Con mèo vùng vằng chạy thoát khỏi vòng ôm của Vy để chạy lại xum xoe với một gã đàn ông. Đúng là một ả mèo đỏng đảnh và lẳng lơ. Vy hơi lúng túng không biết phải nói gì. Khanh cười:
- Anh không biết là nhà có người. Định ghé qua đóng các cửa sổ sợ đêm bão. Chị Na đãng trí lắm. Mấy lần trước đi không đóng cửa nên lúc về dọn mảnh vỡ đứt cả tay.
- Chị giao chìa khóa nhà và nhờ em trông coi mọi thứ.
- Mọi thứ à? Trong đó có anh không?
- À dĩ nhiên là có. Nhưng em đâu có dại.
- Em sợ gì chứ?
- Trông con mèo còn khó, sao mà trông được lòng dạ đàn ông.
Khanh cười vang nhà. Giọng cười ấm đến lạ. Anh kêu đói bụng cần một tô mì lớn hoặc một bữa cơm tươm tất thì càng tốt. Trong lúc chờ đợi anh sẽ đi tưới hoa, thay chiếc bóng điện ngoài ban công và sửa đôi giày cao gót của chị cho vừa vặn. Anh nói ăn xong anh sẽ đi ngay, trả khoảng bình yên lại cho Vy như chưa từng gõ cửa. Nhìn anh lụi cụi sửa giày, Vy hỏi:
- Anh biết thế nào là vừa vặn với chân chị mà sửa mò như thế? Đợi chị về hẵng hay.
- Chân anh ướm vừa là chân chị cũng vừa.
Vy bỗng nhớ khi xưa hình như cũng có người thích sửa giày cho mình. Nhưng mà lâu lắm rồi, giờ có lẽ người ta đang cặm cụi sửa giày cho một người nào khác.
- Hình như đàn ông các anh rất thích sửa giày cho phụ nữ?
- Vì chẳng ai muốn người mình yêu phải xỏ chân vào một đôi giày không vừa vặn. Chật quá thì đau chân mà rộng quá thì xộc xệch.
- Giống như tình yêu ấy à?
Khanh không trả lời, anh đang bận cắt bớt gót giày cho chị. Mà thực ra Vy cũng đã có câu trả lời ba năm về trước bằng chính sự ra đi của Vũ. Phải chăng chị nói đúng, vì nỗi cô đơn trong Vy rộng quá nên tâm hồn Vũ không thể nào che lấp được khoảng trống đó. Vũ đã cố gắng nhiều năm trời sửa sang, vun vén cho tình yêu như cách anh miệt mài ngồi sửa những đôi giày cho vừa vặn chân Vy. Nhưng Vy đã không nhìn thấy những nỗ lực của người đàn ông ấy. Vy suốt ngày chỉ rầu rĩ nhìn thấu nỗi cô đơn huyễn hoặc lòng mình. Giờ đứng từ phía sau ngó tấm lưng đang cúi gập gõ đế gày lộc cộc của Khanh mà mắt Vy cay.
Nhiều năm về trước Vy cũng đứng như thế này nhìn Vũ, nhưng nhìn một cách hờ hững đến lạnh lùng. Một nỗi niềm trào dâng đến nghẹt thở kéo theo một ý nghĩ điên rồ. Vy muốn ngay lúc này được ôm bờ vai đang hiện hữu trước mặt kia như là ôm kí ức. Nếu Khanh không bất ngờ đứng dậy, không ngoảnh lại hỏi cơm đã chín chưa, thì có lẽ Vy đã lao vào ôm anh thật. Khanh ngoảnh mặt lại khiến Vy nhận ra khoảng cách. Khuôn mặt Vũ buồn hơn, một nỗi buồn thảng thốt. Buồn từ dáng ngồi đến môi cười.
Khanh ăn ngon lành rồi vỗ bụng vui vẻ ra về. Vy tiễn ra cổng, bỗng nhiên dặn với theo nhà chị còn mấy cái rèm cửa đã bung cần phải sửa. Khanh nói sẽ trở lại khi rảnh rỗi. Vy đứng đó, mắt bấu chặt vào lưng Khanh. Sao ba năm trước, khi Vũ ra đi Vy đã vội ngoảnh lưng. Giờ thì ngôi nhà của chị không còn cái vẻ bình yên vốn có nữa. Vy thấy lòng xáo trộn, hơi ấm của Khanh còn vương vấn đâu đây. Bật đĩa nhạc không lời, Vy nằm quay đầu ra cửa sổ vuốt bụng chú mèo mềm ấm. Cảm giác như đang vuốt trên từng ngón tay của Vũ. Phía xa xôi những cột đèn cao áp sáng lấp lánh như sao, Vũ chìm khuất đâu đó giữa thành phố đông đúc ấy. Thành phố này hóa ra không hề nhỏ. Bằng chứng là người ta có thể đánh mất nhau vĩnh viễn, dẫu có chung một vòm trời, vài cái rạp chiếu phim, vài trung tâm mua sắm và vài nhà ga xình xịch những chuyến tàu…
Vy chờ mãi, cuối cùng Khanh cũng đến. Nhìn Vy nằm như con mèo nhỏ xanh xao trong cơn sốt, Khanh cuống cuồng thuốc thang săn sóc. Nước cam ấm cho môi ngọt, cháo ấm cho cơ thể bớt lạnh và mấy lời ấm áp cho tim bớt cóng. Khanh dỗ dành:
- Sẽ ổn thôi, chị Na dặn anh phải chăm sóc Vy chu đáo. Vy cần gì cứ nói với anh.
- Đôi giày em đi chật lắm, anh sửa giùm em nhé.
Như chỉ chờ có thế, Vy nằm ngắm lưng anh. Ba ngày sau thì Vy khỏe lại, ngồi dậy ngắm mưa cuối thu. Khanh hay ghé thăm mua quà vặt, chiều chuộng Vy như em gái. Những thang thuốc nam chữa bệnh đau đầu cũng được anh tìm mua về sắc. Anh nói về những nhân vật trong trang viết của Vy mà chị từng có lần đưa anh đọc. Vy lúc nào cũng chọn đứng sau lưng Khanh để có được cảm giác ấm áp và gần gũi. Sợ nhất là lúc ngồi ăn cơm cùng nhau mặt đối mặt, bởi lúc ấy lương tâm sẽ nhắc nhở Vy rằng người ngồi đối diện kia là người yêu của chị. Không phải Vũ, càng không phải người đàn ông có thể thuộc về Vy. Bỗng nhiên, Vy thấy xót xa mình mà cũng xót xa Khanh. Biết đâu một ngày nào đó, Khanh cũng đuối sức như Vũ đã từng. Và cả chị nữa, biết đâu cũng có ngày chị nuối tiếc như Vy. Cái bóng của tình yêu người ta thường không tự nhìn thấy được…
Chị về không báo trước. Đúng lúc thấy Vy và Khanh đang cùng nhau trồng một khóm hoa. Khanh ngồi khom lưng vun đất, còn Vy thì đứng lặng lẽ phía sau. Cảnh tượng ấy không có một tiếng cười, không ngôn từ càng không có gì là dan díu. Ấy vậy mà, chị nói chưa bao giờ nhìn thấy Vy hạnh phúc đến thế, như đã thoát khỏi cái dáng lầm lũi thường ngày. Chị thấy nhói lòng vì xót xa Vy và vì một nguyên cớ gì đó không rõ nghĩa. Còn Vy thì cười buồn bảo, sao lưng của những người đàn ông lại rất giống nhau, lủi thủi và cô đơn đến lạ. Chị ngoảnh đi khi nghĩ đến những chuyến công tác liên miên và tình yêu chỉ còn là những cuộc viếng thăm nhau bằng mớ ngôn từ rời rạc qua điện thoại. Vy nhìn thấy tim chị đang nhói đau. Đau như tim Vy vậy. Rời chốn bình yên tạm bợ, Vy bắt chuyến xe buýt cuối ngày trở về trung tâm thành phố. Nửa tháng trôi nhanh như một lằn roi gió. Vy nhớ cồn cào một tấm lưng nhạt nhòa mờ ảo. Nhớ tất cả những gì đã để lại phía sau…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận