Công ty Vàng Phước Sơn xin dò tìm vàng trên 16km2 rừng
Ngày 28/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn về việc xem xét phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế, có ý kiến về đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về một số vấn đề liên quan đến quốc phòng và rừng đối với khu vực công ty đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu công ty lập phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản vàng gốc tại khu vực diện tích 16,09km2 mà công ty đề nghị.
Sau đó gửi UBND huyện Phước Sơn kiểm tra việc ảnh hưởng đến rừng và các tác động của quá trình thăm dò khoáng sản để có ý kiến đề xuất UBND tỉnh.
Được biết, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã đề nghị được thăm dò vàng gốc tại Trà Long - Suối Cây - K7, thuộc các xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Xuân, trong diện tích 1.609ha rừng và cho rằng hoạt động thăm dò hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cây rừng tại khu vực triển khai, khoảng 1.423ha.
Trong đó, khu vực đặt 101 lỗ khoan thăm dò (mỗi mũi khoan diện tích 20m2, tổng diện tích 2.020m2), trong diện tích 186ha là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên, nhưng ở diện tích nhỏ.
Dù vậy, ngày 6/8, UBND huyện Phước Sơn đã không thống nhất đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc của doanh nghiệp, vì cho rằng khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn (99%) diện tích.
Đáng chú ý, ngày 29/8, sau khi tiếp nhận công văn của UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Phước Sơn đã bất ngờ "quay xe", đồng ý phương án thăm dò vàng gốc của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, kèm thêm điều kiện bảo vệ rừng, hệ sinh thái tự nhiên.
Ai là nhóm chủ đứng sau Vàng Phước Sơn?
Theo tìm hiểu, Quảng Nam là nơi có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước, và mỏ vàng Phước Sơn với trữ lượng được đánh giá cực lớn nằm tại đây. Dù không được tiết lộ, nhưng đây được đánh giá là một trong những mỏ vàng lớn nhất châu Á.
Hiện mỏ vàng có quy mô rộng 8ha, được khai thác chủ yếu tại xã Phước Đức, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Chủ mỏ vàng Phước Sơn là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, liên doanh giữa Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam và Công ty New Vietnam Mining Corp (Canada, thành viên của Tập đoàn Besra).
Cơ cấu cổ đông của Vàng Phước Sơn khi đó gồm: Công ty New Vietnam Mining Corp nắm 85% cổ phần và 15% còn lại của Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam.
Đáng tiếc, tháng 7/2014, sau quãng thời gian cùng Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (cũng thuộc Tập đoàn Besra) khai thác khoảng 7 tấn vàng, Công ty Vàng Phước Sơn kinh doanh thua lỗ, vỡ nợ và buộc phải ngừng hoạt động.
Ngừng hoạt động, song Vàng Phước Sơn đã phải gánh khoản nợ thuế gần 400 tỷ đồng, cùng lúc đó là áp lực từ các chủ nợ, với sự hiện diện rõ nhất là Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank.
Tháng 7/2015, được cơ quan chức năng cho phép, Công ty Vàng Phước Sơn hợp tác với Công ty Cổ phần Vàng VACO, VietABank triển khai đề án tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp để dần từng bước phục hồi hoạt động sản xuất.
Sau đó 3 tháng, phía Tập đoàn Besra đã có động thái chuyển nhượng 35% vốn cho Công ty Cổ phần Vàng Việt Á (Công ty Cổ phần Vàng VACO), hạ tỷ lệ sở hữu xuống 50%; 15% còn lại vẫn thuộc về Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam.
Từ tháng 8/2016, VietABank đã đứng ra bảo lãnh cho Vàng Phước Sơn trả nợ thuế theo hình thức nộp dần, số tiền khoảng 335 tỷ đồng theo đó được chia làm 11 tháng.
Thời điểm này, giới đầu tư lại xôn xao về sự xuất hiện của Việt Phương Group và đại gia Phương Hữu Việt tại Vàng Phước Sơn. Dù chưa từng công khai, nhưng ảnh hưởng của nhóm chủ này tại Vàng Phước Sơn lại được thể hiện rõ rệt thông qua việc ông Việt là cái tên xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của Vàng VACO hay Tập đoàn Đầu tư Việt Phương hiện là cổ đông lớn nhất tại Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam.
Đáng chú ý, đầu năm 2019, Tập đoàn Besra chính thức rút khỏi Vàng Phước Sơn. 50% cổ phần của tập đoàn này đã được chuyển sang bà Nguyễn Đắc Quỳnh Anh (SN 1992).
Các dự án Khoáng sản tại Việt Nam của Việt Phương Group trải rộng từ Bắc vào Nam. Với lĩnh vực này, VPG đã đầu tư quy mô lớn vào các ngành Cát trắng, Đá vôi, Bauxite, Vàng,…
Tại Huế, VPG sở hữu Mỏ cát trắng Phong Điền với trữ lượng 27 triệu tấn. Công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/ năm. Tại Quảng Nam, Công ty MINCO với khả năng khai thác 180 nghìn tấn/ năm với các sản phẩm Cát khuôn đúc và Kính xây dựng.
Việt Phương Group đã, đang và sẽ đầu tư vào các khoáng sản có giá trị (Cát trắng, Bauxite, Đá hoa trắng, Đất hiếm, Chì, Kẽm, Vàng,…); và hiện tại đang sở hữu những mỏ khoáng sản quy mô lớn tại Việt Nam và khu vực (Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam…; Đắk – chưng, Sê – kông, CHDCND Lào...).
Sau gần 3 năm tái cơ cấu, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gần nhất (tháng 6/2022), vốn điều lệ của công ty này là 1.340 tỷ đồng, do 3 thành viên góp vốn. Gồm các cá nhân: Lương Thị Linh góp 306 tỷ đồng (22,836%), Nguyễn Thị Mừng góp 700 tỷ đồng (52,239%) và Nguyễn Đắc Quỳnh Anh góp 334 tỷ đồng (24,925%).
Dù các sợi dây liên kết giữa Việt Phương Group và Vàng Phước Sơn dần ẩn đi sau khi tái cơ cấu cổ đông, song các cá nhân mới cũng đều có sự liên hệ với nhóm chủ này.
Đơn cử, bà Lương Thị Linh là vợ của ông Phương Hữu Lĩnh, anh trai ông Phương Hữu Việt. Vợ chồng bà Linh chính là cổ đông tại Công ty Cổ phần Ngọn Hải Đăng cùng với bà Phương Minh Huệ - Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, cựu Thành viên Hội đồng quản trị VietABank.
Trong khi đó, đối với người chủ trên giấy tờ của Vàng Phước Sơn (nắm 52,239%), bà Nguyễn Thị Mừng cũng có nhiều mối quan hệ với nhóm đại gia Phương Hữu Việt.
Được biết, bà Mừng là người đại diện, chủ của Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư Đông Dương, pháp nhân có mối làm ăn sâu đậm và từng phát sinh khoản nợ tới 810 tỷ đồng với Công ty Cổ phần SAM Holdings.
Tuy nhiên, toàn bộ cổ phần tại Công ty Đông Dương của bà Mừng lại đang nằm trong ngân hàng VietABank từ tháng 9/2022.
Đáng chú ý, SAM Holdings cũng không còn là cái tên mới khi nhắc đến Việt Phương Group. Con trai thứ của vợ chồng ông Phương Hữu Lĩnh là ông Phương Thành Long từng là Phó tổng giám đốc Sam Holdings (hiện là Chủ tịch VietABank).
Tổng giám đốc Sam Holdings là ông Trần Việt Anh cũng là chồng của bà Phương Thanh Nhung, cựu Tổng giám đốc VietABank.
Thương vụ hợp tác điển hình giữa Sam Holdings và nhóm Việt Phương là tại dự án Khu nghỉ dưỡng Sam Tuyền Tâm tại Đà Lạt, Lâm Đồng; hay thương vụ đầu tư vào Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ - cổ đông lớn nhất của Công viên nước Đầm Sen ở TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận