Tàu FPMC B108 (quốc tịch Liberia) có tải trọng 95.700 DWT cập cảng nước sâu Sơn Dương tháng 10/2015. |
Cách đây 10 năm, mảnh đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vốn khô cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, giờ đã hình thành nên những công trình nhà máy, xí nghiệp ngày đêm náo nhiệt, tốc độ đô thị hóa phát triển từng ngày tại khu kinh tế Vũng Áng…
Làng chài ven biển vươn mình
Về thăm Vũng Áng - Kỳ Anh, gặp ngư dân Hoàng Liên Sơn (48 tuổi, phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh) vừa rời xe hơi bước vào ngôi nhà khang trang mới khánh thành. Ông Sơn kể lại khu vực này trước đây chỉ là làng chài nhỏ. Ông sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Do nghèo khó nên ông chỉ đóng tàu nhỏ, chủ yếu đánh bắt cá trích, cá nục, mỗi chuyến đi biển chỉ được vài trăm nghìn. Khi lên bờ, ruộng đồng khô cằn, nhiễm mặn, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn.
“Từ khi giao thông được mở mang, thêm cơ chế ưu đãi thông thoáng của địa phương, ngày càng nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở Vũng Áng. Thấy nhu cầu vận tải gia tăng, năm 2010, tôi bỏ nghề đánh bắt cá, vay tiền mua xe tải chở vật liệu cho các xí nghiệp, nhà máy. Nhờ đó thu nhập của gia đình ổn định, con cái có điều kiện ăn học tốt hơn”, ông Sơn kể.
Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập tháng 6/2006, hiện khu kinh tế Vũng Áng đã trở thành tâm điểm về thu hút đầu tư nước ngoài với hình ảnh một trung tâm công nghiệp phát triển năng động, nhiều dự án đã và đang hoàn thành với ba lĩnh vực đứng đầu cả nước là công nghiệp điện năng; luyện thép và cảng biển nước sâu. Nhiều dự án đã và đang đi vào hoạt động như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Tập đoàn Formosa đầu tư dự án lọc hóa dầu; Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3...
Riêng dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương - Formosa có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 10 tỷ USD, trở thành dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Thu ngân sách của Khu kinh tế Vũng Áng trong năm 2014 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 tăng lên 10.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng thu nhập ngân sách địa phương. Năm 2014, giá trị xuất khẩu tại Khu kinh tế Vũng Áng đạt 516 triệu USD, chiếm 69,3% cả giai đoạn 2011-2014.
Với tốc độ phát triển thần kỳ, cùng nhiều lợi thế, sức hấp dẫn riêng, tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Thế mạnh hệ thống cảng biển nước sâu
Vũng Áng đang trên đường trở thành trung tâm cảng biển nước sâu lớn nhất cả nước, lại nằm ở vị trí đắc địa, gần đường hàng hải quốc tế, chỉ cách phao số 0 vài hải lý, bên cạnh QL1, tuyến giao thông huyết mạch của đất nước. Đặc biệt, việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cảng Vũng Áng đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Bắc Á sẽ tiết kiệm nhiều chi phí vận tải nhờ rút ngắn được 2/3 quãng đường so với các cảng Thái Lan. Với nhiều lợi thế và ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư, Vũng Áng đang là tâm điểm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hạ tầng cảng biển.
Sau gần 15 năm kể từ ngày xây dựng cầu cảng đầu tiên ở Vũng Áng, đến nay số lượng bến cảng đã tăng lên nhiều. Theo quy hoạch, tại cảng Vũng Áng sẽ có 17 bến tàu phục vụ bốc xếp container, than, xăng dầu.Đặc biệt, cảng nước sâu Sơn Dương được quy hoạch 57 bến tàu, trong đó có 32 bến chuyên dùng cho Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh có thể đón tàu trọng tải 30 vạn DWT; 13 bến chuyên dùng cho liên hợp lọc hóa dầu Formosa; 2 bến chuyên dùng nhập than quặng cho Nhà máy thép Thạch Khê; 6 bến chuyên dùng cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3; bến tổng hợp sẽ có 4 bến.
Hiện Formosa đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương giai đoạn 1 với 11 bến tàu, trong đó, có 2 bến cho tàu 20 vạn DWT, 9 bến cho tàu từ 1-5 vạn DWT với khối lượng hàng hóa thông qua dự kiến 28 triệu tấn/năm. Hiện tại, đã có 6 cầu cảng được khai thác phục vụ dự án cho phép tàu từ 1-5 vạn DWT.
Dự lễ khởi công bến cảng số 3 Cảng Vũng Áng Việt - Lào, Thứ trưởng Bộ Công chính vận tải nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, bà Vylaikham Posalat chia sẻ: “Nhu cầu hàng hóa quá cảnh của Lào qua đường biển đang ngày càng tăng. Việc xây dựng bến cảng số 3 là rất cần thiết, giúp hàng hóa của Lào quá cảnh sang nước thứ 3 và ngược lại sẽ được thuận lợi và nhanh chóng hơn”.
Tháng 1 vừa qua, Cảng nước sâu Sơn Dương - Formosa đã đón tàu hàng DIVINUS (quốc tịch Anh) chở 164.100 tấn quặng sắt cập cảng an toàn. Đây là tàu chở hàng rời có tải trọng lớn nhất từ trước tới nay cập cảng ở Việt Nam, tạo sức hút của hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng.
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, thế mạnh cảng biển nước sâu Sơn Dương giai đoạn 1 có thể đón được tàu có trọng tải 200 nghìn DWT, 300 nghìn DWT cho giai đoạn 2. Công suất hàng hóa qua cảng trong giai đoạn 1 hoàn thành khoảng 30 triệu tấn/năm, khi hoàn thiện toàn bộ sẽ có hơn 70 cầu cảng với tổng chiều dài 17.000m, đáp ứng lượng hàng hóa 150 triệu tấn/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận