Đại hội Công đoàn GTVT Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2023. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và cũng là dịp để cán bộ công đoàn, đoàn viên và công nhân viên chức, người lao động toàn ngành ôn lại truyền thống 57 năm thành lập, phát triển Công đoàn GTVT Việt Nam kể từ khi thành lập và kỳ đại hội đầu tiên.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 30/9/1966, Đảng ủy GTVT Trung ương được thành lập. Cũng trong thời điểm quan trọng đó, để có một tổ chức mạnh, thống nhất trong toàn ngành, ngày 18/11/1966, Ban thư ký (nay là Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã quyết định thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam.
Sau đại hội lần thứ I, Công đoàn GTVT Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải, đảm bảo giao thông phục vụ chiến trường miền Nam (Ảnh: Tư liệu).
Công đoàn GTVT Việt Nam giai đoạn này có 250 công đoàn cơ sở, 125.000 CNVC, 112.000 đoàn viên, 965 cán bộ công đoàn chuyên trách. Ban chấp hành lâm thời có 16 ủy viên, trong đó ông Hồ Sỹ Ngợi làm Thư ký, ông Lều Thọ Hải làm Phó Thư ký Công đoàn GTVT Việt Nam.
Sau khi được thành lập, Công đoàn GTVT Việt Nam với sự lãnh đạo của Ban chấp hành lâm thời đã tích cực hoạt động và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Thời kỳ 1972-1973, Ban chấp hành có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo: Ông Hồ Sỹ Ngợi chuyển làm Thường trực Đảng ủy GTVT Trung ương; Ông Nguyễn Văn Bút được Tổng công đoàn cử làm Thư ký Công đoàn GTVT Việt Nam.
Năm 1974, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn GTVT Việt Nam được tổ chức thành công từ ngày 1 đến ngày 4/7 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa I gồm 37 đồng chí. Đồng chí Lê Minh Đức, Anh hùng Lao động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt được bầu giữ chức vụ Thư ký Công đoàn GTVT Việt Nam (bán chuyên trách). Đồng chí Phạm Lưu, Chủ tịch Công đoàn Vận tải ô tô Việt Nam được bầu giữ chức Phó Thư ký.
Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành mới về tổ chức của Công đoàn GTVT Việt Nam và phong trào công nhân, phong trào công đoàn trong toàn ngành GTVT. Toàn ngành lúc này có 160.000 đoàn viên/175.000 CNVC, 939 công đoàn cơ sở.
Sau đại hội lần thứ nhất cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị tích cực cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Chính vì vậy, Ban chấp hành Công đoàn GTVT Việt Nam khóa I cùng các cấp công đoàn ngành đã chủ động phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu ngành yêu nghề trong CNVC-LĐ, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ vì chiến trường miền Nam đánh to, thắng lớn.
Để phục vụ cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đầu năm 1975, Bộ GTVT nhận lệnh của Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Vận tải đường bộ tổ chức vận chuyển gấp hàng hóa vào Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; đồng thời cử các đoàn cán bộ giao thông vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà có sự đóng góp to lớn của CBCNV-LĐ ngành GTVT. Trong đó, đã hoàn thành cơ bản vận chuyển khối lượng vật tư, kĩ thuật, khí tài, cùng với lực lượng vận tải quân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GTVT vận chuyển cho chiến trường.
Tổng kết, đánh giá thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu của CBCNV-LĐ ngành GTVT, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Một Huân chương Quân công hạng Ba; 154 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 6.000 Huy hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; 15.000 Huy hiệu “Quyết thắng 5/8”… Hàng chục đơn vị và cá nhân trong ngành GTVT được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận