Nhà báo Trần Quốc Huy |
Thời điểm hiện nay, báo điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn) được xem là tờ báo có tốc độ bứt phá và phát triển nhanh trong việc tận dụng thế mạnh của công nghệ để tạo đột phá. Theo Thư ký Toà soạn Zing.vn Trần Quốc Huy, xu hướng làm báo trực quan (đọc báo thông qua hình ảnh, đồ họa, video) đang mang lại hiệu quả rất lớn so với các hình thức truyền tải thông tin truyền thống.
“Đóng cửa” hoặc “cưỡi lên sóng”
Báo chí là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của sự phát triển công nghệ thông tin. Chúng ta đã thấy sự ra đời của các loại hình báo chí: Radio, truyền hình, báo điện tử... bắt nguồn từ các tiến bộ công nghệ.
Các xu hướng phát triển công nghệ mới đang ảnh hưởng đến việc làm báo hiện nay, có thể liệt kê nhanh. Mạng xã hội: Đây là thách thức và là con dao hai lưỡi với báo chí. Mạng xã hội cạnh tranh trực tiếp và gần như thay đổi thói quen đọc, tiếp nhận thông tin qua báo chí ở nhóm độc giả trẻ.
Đứng trước thách thức đó, các nhà xuất bản có hai lựa chọn: “Đóng cửa”, tập trung làm các sản phẩm khác biệt trên trang web, kênh phân phối nội dung của riêng họ. “Cưỡi lên sóng”: Xem mạng xã hội là kênh phân phối nội dung ngoài trang web riêng của tờ báo. Các tên tuổi lớn trên thế giới như: Buzzfeed, NYTimes, Vox... đều có các bộ phận phát triển nội dung riêng dành cho YouTube (video dài); Facebook (Video ngắn và các nội dung graphic đơn giản); Instagram, Snapchat (story, các bản tin video màn hình dọc)... Đối với các tờ báo chọn xu hướng này, họ xem lượng view từ các kênh social cũng tương tự như pageview trên trang web của mình. Các nội dung cũng được tuỳ biến để phù hợp với độc giả trên mỗi nền tảng mạng xã hội.
Sản phẩm của team Thiết kế |
Dù vậy, việc đưa nội dung lên MXH là con dao 2 lưỡi. Instant Articles của Facebook là một ví dụ. Các nhà xuất bản từng rất hào hứng với điều này, nhưng họ nhanh chóng nhận ra việc mình có thể bị thao túng, chi phối khi Facebook educate cho độc giả thói quen đọc báo mới, sống trên mạng xã hội. Cái chết (có thể đến sớm) của Instant Articles cho thấy việc các nhà xuất bản không mặn mà, cũng như nhận ra “quả đắng” của sản phẩm này.
Lượng view (lượt xem) từ những sản phẩm báo chí trực quan như: Longform, E-Magazine đem lại sự khác biệt so với một tác phẩm báo chí đơn thuần. Nó được đặt ở các vị trí cao hơn trên trang chủ (home) các tờ báo, giúp tiếp cận độc giả rộng hơn. |
Xu hướng thứ hai là các tiến bộ khác như VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường). Đây được kỳ vọng là tiến bộ mới của việc đưa tin. New York Times đã có video 360 hợp tác với Samsung, hỗ trợ kính VR. Các nhà xuất bản cũng đang rầm rộ tạo ra các sản phẩm trên nền công nghệ này. Dù thách thức về thiết bị đang là rào cản của việc mở rộng xu hướng này, nhưng nhiều tờ báo tin tưởng, sẽ đến lúc độc giả được sống, được cảm nhận không khí hiện trường thông qua VR, AR hơn là việc đọc tin, xem video 2D thông thường.
Với AI (trí tuệ nhân tạo), nhiều tờ báo đã áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc viết tin, tìm kiếm nội dung, sắp xếp data và đưa ra các thông tin khác biệt, trực quan... AI được dự báo có thể thay thế một phần công việc của nhà báo và nếu “học” tốt, nó có thể thay thế nhà báo trong tương lai. Còn sớm để nhận định việc này, nhưng các công việc đơn giản trong làm báo, AI hiện đã có thể làm nhanh hơn, chính xác hơn con người.
Các tiến bộ công nghệ đang đến nhanh gấp nhiều lần so với trước đây. Các tờ báo sẽ có nhiều lựa chọn. Họ có thể bị nhấn chìm nếu không theo kịp hoặc “cưỡi được con sóng” để đi nhanh hơn, nhưng cần thận trọng, an toàn, điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn của các nhà xuất bản.
Nhưng dù thế nào, công nghệ chỉ thay đổi cách thức làm báo và việc tiếp cận bạn đọc, còn các bài báo chuyên sâu, bình luận, phân tích, các sản phẩm thiên về cảm xúc... vẫn cần con người. Công nghệ khó có thể thay thế các bài báo dạng này.
Sản phẩm thể hiện theo hình thức infographic của Zing |
Công nghệ đồng hành cùng những sản phẩm dấn thân
Trực quan và giá trị báo chí là 2 phần Zing xem quan trọng tương đương nhau. Các bài báo giá trị, các sản phẩm dấn thân vẫn là nền tảng của tờ báo.
Dù vậy, đứng trước các thách thức về công nghệ, tờ báo nhận thấy phải luôn thay đổi. Mỗi bộ phận, phòng ban ở Zing sợ nhất là bị chê “già, béo, xấu” - chậm thay đổi, tư duy cũ, trình bày tệ...
Tờ báo đã lập ra một đội trẻ, bao gồm các bạn trẻ 9X, chuyên nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm, loại hình báo chí mới. Cách thức đọc tin của nhóm độc giả mới đã thay đổi, do vậy, tờ báo luôn muốn làm mới các cách tiếp cận với nhóm độc giả trẻ, lôi kéo được họ trong khi vẫn giữ các sản phẩm báo chí truyền thống.
Chúng tôi cũng liên tục trình làng các format bài viết khác nhau: Video dọc điểm tin nhanh, video vuông giải thích, graphic diễn giải, đồ hoạ trong các tuyến bài đầu tư, video Longform, video phóng sự trình bày theo phong cách mới...
Về tổ chức, toà soạn cũng thống nhất 3 khối Ảnh, Video, Đồ hoạ lại thành team Trực quan, từ đó có thể vận hành nhanh hơn các sản phẩm cần 3 team chung sức. Kover - tuyến bài phỏng vấn chuyên sâu là một ví dụ. Ở đó, video, ảnh và khối nội dung sẽ đi tác nghiệp, Đồ hoạ sẽ hỗ trợ về concept trước khi tác nghiệp và lên bài. Gần đây, chúng tôi cũng đưa ra định dạng Zexplain, các video giải thích cần sự tham gia của đồ hoạ, làm thế nào để diễn giải các câu chuyện một cách đơn giản, dễ xem hơn...
Zing cũng mở rộng thêm team Data, chuyên đưa ra các bài báo giải thích bằng con số, dữ liệu và chuyển hoá thành các sản phẩm độc quyền, góc nhìn riêng.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của CNTT cùng truyền thông đa phương tiện đang mở cửa cho xu hướng làm báo mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đội ngũ làm nghề. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với các nhà báo là chậm thay đổi. Các tiến bộ của công nghệ đang chạy nhanh hơn sự phát triển của báo chí. Các toà soạn chậm đổi mới có thể gặp khó để cạnh tranh với các tên tuổi mới với hình thái thích nghi nhanh với xu hướng thị trường.
Tư duy một bài báo đã thay đổi khá nhiều so với trước. Một story (câu chuyện) trên Instagram, Snapchat xem trong 1 giây có thể cung cấp đủ thông tin tương đương một bài báo hàng ngàn chữ. Một đoạn video bắn text trong vòng 30 giây giúp người đọc có thể nắm bắt nhanh hơn cả một bản tin truyền thống dài hàng chục phút.
Sản phẩm thể hiện theo hình thức infographic của Zing |
Độc giả ngày càng thiếu kiên nhẫn hơn và họ đòi hỏi việc được biết thông tin nhanh, xem nhanh, quên nhanh. Một sự kiện lớn có thể chỉ diễn ra trong 1 ngày, hôm sau độc giả có thể quên ngay để tiếp nhận loạt thông tin, sự kiện mới. Họ cũng đòi hỏi nhà xuất bản cung cấp các trải nghiệm mới lạ hơn việc đọc tin truyền thống. Các tờ báo một mặt sẽ phải cung cấp thông tin tức thời, đa dạng cách trình bày cũng như tập trung cách kể chuyện hấp dẫn để lôi kéo người đọc.
Nếu các toà soạn không thay đổi liên tục, chậm đổi mới cách diễn đạt, trình bày tin tức, họ có thể bị bỏ lại.
Ở Việt Nam, nhân sự làm báo trực quan đến từ hai nguồn. Những người làm ở lĩnh vực khác đi qua và các nhà báo.
Nhân sự ở các lĩnh vực khác, ví dụ designer (họa sĩ thiết kế), họ sẽ cần một thời gian làm quen với cách trình bày báo chí. Dù vậy, việc họ xuất phát từ lĩnh vực riêng lại cung cấp góc nhìn, cách thể hiện khác, mới mẻ hơn. Trong khi đó, các nhà báo cũng cần thay đổi để thích nghi. Họ vẫn bám sát các giá trị báo chí truyền thống, nhưng đa dạng hơn trong cách đưa một bản tin đi xuất bản. Yêu cầu chung là họ luôn thay đổi, thích nghi với các thay đổi của người đọc.
Hiện nay, hầu như chưa có thống kê đầy đủ về mức lương chi trả cho đội ngũ phóng viên làm báo trực quan. Mỗi tờ báo sẽ có các giai đoạn đầu tư cho lĩnh vực mới, có thể đẩy ngân sách phần này cao hơn trong các giai đoạn. Dù vậy, sự chênh lệch về lương có thể không lớn, hoặc tương đương. Bởi trên hết, tờ báo vẫn cần những nhà báo chất lượng, cung cấp các bài viết tốt làm nền tảng phát triển.
Sau khi thay đổi, tiếp cận với cách làm báo trực quan, có hai thay đổi rõ ràng nhất mà các toà soạn có thể nhận được. Thứ nhất, các bài báo đầu tư được trình bày đẹp sẽ lôi kéo được độc giả trung thành lẫn độc giả mới. Khi người xem chán ngán với các sản phẩm đơn giản, các status ngắn trên Facebook, Twitter, họ có thể quay lại tờ báo để xem các sản phẩm chuyên sâu, trình bày đẹp.
Thứ hai, tờ báo sẽ lôi kéo được các nhà quảng cáo. Các bài PR trước đây được nhét vào sâu, trình bày xấu và được xem như “con ghẻ” khiến các nhà quảng cáo không hạnh phúc gì thì nay, các định dạng như Longform, E-Magazine sẽ thôi thúc các đơn vị bán quảng cáo suy nghĩ lại về nội dung, đáp ứng nhu cầu trình bày.
Lượng view (lượt xem) từ những sản phẩm báo chí trực quan như: Longform, E-Magazine đem lại tạo sự khác biệt so với một tác phẩm báo chí đơn thuần. Nó được đặt ở các vị trí cao hơn trên trang chủ (home) các tờ báo, giúp tiếp cận độc giả rộng hơn. Hầu hết các bài dạng này thường được đầu tư về nội dung, câu chuyện sâu sắc hơn kết hợp với trình bày giúp chúng có sự viral (độ lan tỏa) tốt hơn trên mạng xã hội, các công cụ tin nhắn...
Hoài Thu (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận