Xã hội

Bứt tốc vượt tiến độ trên công trường đường nối Quảng Ninh - Lạng Sơn

08/03/2023, 06:00

Các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị để quyết về đích trước tiến độ dự án Tỉnh lộ 342 nối Quảng Ninh - Lạng Sơn.

Dân háo hức chờ cung đường mới

Những ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông đến khu vực thi công cầu bản thuộc thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ. Đây là một hạng mục trong dự án Tỉnh lộ 342 kết nối TP Hạ Long - huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) và tỉnh Lạng Sơn.

Tại công trường thi công cầu bản thôn Khe Nháng, hơn 2 tháng nay, những âm thanh khoan cắt, bê tông, ô tô, máy xúc đào, đắp và vận chuyển đất, đá đã trở lên quen thuộc với người dân ở xã miền núi xa nhất huyện Ba Chẽ này.

img

Cung đường mới đang hiện hữu trước niềm vui, sự kỳ vọng của bà con huyện Ba Chẽ

Xóm miền núi Khe Nháng xa xôi cách trung tâm huyện chưa đầy 30km, nhưng để đến được đây phải vượt qua hàng chục khúc cua tay áo, mất gần 1 giờ đồng hồ.

Đường sá xa xôi, nhỏ hẹp, khúc khuỷu khó đi, vì vậy, sự nhộn nhịp của công trường thi công cầu khiến người dân nơi đây háo hức, đầy kỳ vọng vào sự phát triển của địa phương mình khi con đường mới sắp được mở ra.

img

Người dân nhanh chóng khai thác cây trồng, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công

Bà Trần Thị Nghị, người dân thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm đang đứng nhìn phương tiện thi công cầu qua địa bàn thôn hồ hởi cho biết, quê bà ở tỉnh Hải Dương, năm 1990 lên đây làm kinh tế mới và lấy chồng người dân tộc Sán Chỉ rồi sinh sống tại đây.

Bao năm sống ở Khe Nháng, bà Nghị chứng kiến được những khó khăn do điều kiện giao thông cách trở của vùng đất này. Vì thế, khi Nhà nước chuẩn bị làm đường, bà Nghị và bà con nơi đây rất phấn khởi.

Bản thân gia đình bà Nghị cũng có diện tích không nhỏ trồng cây ăn quả lâu năm, nhưng khi tiến hành kiểm đếm, đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án, cả gia đình đều vui vẻ đồng thuận.

img

Cầu Khe Lào qua địa bàn xã Đạp Thanh đang được khẩn trương thi công

"Làm đường mới thì cả cộng đồng được hưởng, do vậy, khi nhận được phương án đền bù, gia đình liền ký và nhận tiền rồi bàn giao mặt bằng ngay cho đơn vị thi công mà không đắn đo gì", bà Nghị bộc bạch.

Tiếp tục đi vào xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, gặp bất cứ cán bộ và người dân nào của địa phương này, PV Báo Giao thông đều ghi nhận được niềm vui, sự kỳ vọng vào tuyến đường.

img

Hệ thống giao thông huyết mạch trên địa bàn huyện Ba Chẽ vừa nhỏ, hẹp lại lắm dốc gắt, vực sâu gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội

Dự án Tỉnh lộ 342 nối Quảng Ninh - Lạng Sơn có chiều dài 20,9km, đi qua huyện Ba Chẽ, điểm đầu tại Km37+500, Tỉnh lộ 342 (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long); điểm cuối tại Km58+405 (xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn), khởi động ngày 1/1/2023, dự kiến triển khai trong 600 ngày.

Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên có sở hướng tuyến cũ.

Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với Tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và ATGT...

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh, do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình (NN&PTNT) tỉnh làm chủ đầu tư.

Ông Trần Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh cho biết: Dự án đi qua xã dài trên 10,6km, chiếm dụng vào đất canh tác của 82 hộ dân.

Khi chính quyền triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, bà con đều không có ý kiến gì và ký nhận tiền, bàn giao mặt bằng ngay. Nhờ vậy, tiến độ giải phóng mặt bằng về đích trước thời hạn gần 1 tháng.

"Bà con sống ở vùng cách trở về giao thông nhiều năm nay, nên khi biết có đường mới rộng rãi, bằng phẳng hơn, ai cũng đồng tình. Hy vọng rằng với mặt bằng được bàn giao đầy đủ, đơn vị thi công sẽ đảm bảo được tiến độ để con đường nhanh chóng đi vào sử dụng", vị lãnh đạo xã Đạp Thanh mong muốn.

Quyết về đích trước kế hoạch

Cùng PV Báo Giao thông đi thực địa công trường của dự án tại xã Thanh Lâm, Đạp Thanh ở huyện Ba Chẽ, ông Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh - chủ đầu tư dự án chia sẻ, Ba Chẽ vốn là địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên hệ thống giao thông còn nhỏ, hẹp và xuống cấp.

Huyện Ba Chẽ tuy có nhiều xã liền kề với TP Hạ Long, nhưng muốn đến được thành phố thủ phủ của Quảng Ninh, bà con nơi đây phải đi vòng xuống huyện, qua TP Cẩm Phả xa mất hơn 50 km. Nguyên nhân là do tuyến Tỉnh lộ 342 kết nối 2 địa phương đã được đầu tư từ lâu không chỉ nhỏ, hẹp, xuống cấp mà còn lắm dốc gắt, vực sâu, chia cắt vào mùa mưa, lũ…

img

Các nhà thầu khẩn trương bạt núi, xuyên rừng đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo ông Phương, hiện dự án Tỉnh lộ 342 kết nối tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn còn vướng mắc về hệ thống điện, nước trên tuyến chưa hoàn thành công tác di chuyển. Tuy nhiên, những khó khăn này đang được khẩn trương tháo gỡ để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ông Phạm Hồng Cảnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Thanh Phong, đơn vị thi công tuyến đường cho biết: Doanh nghiệp đang thi công tuyến từ xã Tham Lâm, huyện Ba Chẽ về hướng xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long dài gần 11km và có 1 cầu, 1 cống.

img

Khi tuyến đường đi vào sử dụng sẽ rút ngắn hành trình từ huyện Ba Chẽ sang TP Hạ Long khoảng 50km

"Ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, đơn vị đã huy động toàn bộ phương tiện, nhân lực có thể để thi công 4 mũi máy, 1 mũi nhân công triển khai trên dọc tuyến. Đến thời điểm hiện tại, mặt bằng phục vụ quá trình thi công cơ bản thuận lợi, thời tiết ủng hộ, nên đơn vị phấn đấu về đích trước thời hạn từ 3-4 tháng", ông Cảnh cho biết.

Ở hướng thi công đoạn tuyến tiếp giáp với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, các nhà thầu đang triển khai thi công móng, tường, cống hộp, cọc khoan nhồi mố, trụ cầu Thác Dạ,Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và triển khai thi công các hệ thống cống ngang trên toàn tuyến.

img

Vật tư, thiết bị phục vụ thi công dự án được chuẩn bị đầy đủ

"Việc triển khai dự án nâng cấp tuyến giao thông huyết mạch này đã và đang mở ra một tương lai mới cho vùng đồng bào dân tộc miền núi ở huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long. Nhận thức được ý nghĩa của dự án, đơn vị đã bố trí cán bộ bám sát công trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình để đưa dự án nhanh chóng đưa vào sử dụng sớm nhất có thể", ông Phương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.