Xã hội

Buýt sân bay "mất hút", khách chờ dài cổ

20/10/2022, 16:47

Trong suốt 2 ngày 19 và 20/10 nhiều hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đợi "dài cổ" không thấy xe buýt tuyến 72-1 hoạt động.

Liên tiếp nhiều ngày qua người dân phản ánh đến Báo Giao thông về tình trạng xe buýt 72-1 sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu không chạy theo giờ cố định, thậm chí cả buổi sáng không có xe nào chạy. Phóng viên Báo Giao thông đã vào cuộc xác minh về hoạt động của tuyến buýt này.

7h30 ngày 20/10, chúng tôi có mặt tại khu vực đón - trả khách xe buýt ở làn B nhà ga quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để chờ xe buýt mã số 72-1 đi Vũng Tàu.

Mòn mỏi chờ đợi từ 7h30 đến 12h trưa tại khu vực đón xe buýt, chúng tôi không thấy xuất hiện chiếc xe buýt nào của tuyến 72-1. Đây là tuyến buýt do hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần đầu tư AVI và Công ty TNHH Toàn Thắng vận hành.

Một nhân viên tại quầy thông tin (không phải nhân viên của Toàn Thắng hay Avigo) cho biết, lâu lâu mới có một tuyến xe buýt 72-1 xuất bến. Thường một ngày chỉ chạy một vài chuyến, ngày nào nhiều cũng chỉ 3 - 4 chuyến. Nhân viên này hướng dẫn chúng tôi đi xe hợp đồng khác cho nhanh, chờ xe buýt mất thời gian và không rõ khi nào xe chạy, đi xe hãng khác giá vé cũng bằng xe buýt.

img

Tuyến xe buýt 72 - 1 ngoài việc phải tuân thủ về các điểm đón trả khách mà còn phải xuất bến đúng theo "nốt tài" nhưng hàng loạt vi phạm nhập nhèm đã xảy ra.

Một nhóm PV khác đợi tuyến xe buýt 72-1 tại nhà chờ trên đường Trường Sơn suốt cả buổi sáng 20/10 cũng không có xe buýt 72-1 nào qua. Thay vào đó cũng chỉ có những chiếc xe hợp đồng 9 ghế ngồi Toàn Thắng di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Trường Sơn.

Trước đó, suốt buổi chiều 19/10 (từ 14h đến 17h30), phóng viên Báo Giao thông luôn túc trực tại khu vực làn B - nơi xe buýt đón trả khách, nhưng cũng không thấy chiếc xe buýt nào của Toàn Thắng, Avigo đón trả khách như mọi lần.

Trong khi đó, lúc 11h25 sáng 20/10, tại làn B của ga quốc nội, xuất hiện một chiếc xe 17 chỗ mang BKS 50F - 004.01 của nhà xe Avigo chạy vào làn B và dừng ở khu vực đón - trả khách của xe buýt để đón một nam hành khách lên xe. Bên ngoài xe này chỉ có bảng ghi chữ “Vũng Tàu” không ghi số hiệu xe buýt 72-1.

Vì đợi quá lâu, chúng tôi đến khu vực bãi đậu xe Toàn Thắng, Avigo gần nhà xe TCP. Tại đây, những chiếc xe hợp đồng Toàn Thắng, Avigo xếp hàng đủ chủng loại từ 9 đến 18 ghế ngồi. Xen kẽ trong số này, xuất hiện một xe buýt 72-1 có logo Toàn Thắng mang BKS 72B-030.52 nằm ở giữa 2 xe hợp đồng 18 ghế ngồi của Avigo ở cuối bãi xe. Thời điểm này, cửa xe buýt 72 - 1 đóng kín mít, trên xe không có tài xế. 30 phút sau, xe này cũng chưa có dấu hiệu xuất bến.

Trưa 20/10, chúng tôi gọi điện cho ông Lê Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) để phản ánh vì sao tuyến buýt 72-1 không hoạt động theo khung giờ như quy định. Ông Hoàn nghe máy và nói đang đi đường, rồi tắt máy. Sau đó, ông Hoàn cũng không phản hồi mặc dù Trung tâm quản lý giao thông công cộng là đơn vị trực tiếp phụ trách, giám sát tuyến buýt 72-1 đang xảy ra nhiều tai tiếng.

Trước đó, trả lời tại cuộc họp báo vào ngày 14/10, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết tuyến buýt 72-1 do hai công ty AVI và Toàn Thắng vận hành trên cơ sở hợp đồng với Trung tâm quản lý giao thông công cộng.

Số xe hợp đồng trong ngày với công ty Avigo là 2 xe, công ty Toàn Thắng là 4 xe, giãn cách giữa hai chuyến từ 90 -120 phút. Về giá vé, hợp đồng cũng quy định về giá vé cho từng cự ly.

Cụ thể, xe 17 chỗ, giá vé dưới 1/2 tuyến là 100 ngàn đồng/vé, toàn tuyến là 190 ngàn đồng/vé. Xe 19 chỗ, vé dưới 1/2 là 110 ngàn đồng/vé, toàn tuyến là 210 ngàn đồng/vé, giá này đã được các đơn vị kê khai ở hai đầu tuyến.

Trên thực tế khi PV Báo Giao thông ghi nhận, tài xế xe buýt 72-1 thu 200.000 đồng với lộ trình chưa đến 14km không khác gì cảnh xe dù "chặt chém" người dân trong những thập niên về trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.