Ngày 27/10, Chính phủ ban hành Nghị định 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Đây là Nghị định được kỳ vọng sẽ thiết lập lại trật tự sau những lùm xùm trong việc cá nhân vận động làm từ thiện thời gian vừa qua.
Trao quà từ thiện cho người dân bị lũ lụt (Ảnh minh họa)
Ngoài việc quy định trách nhiệm mở tài khoản tại ngân hàng thương mại cho từng đợt vận động, lập sổ ghi chép các khoản thu chi, thống nhất với người đóng góp về chi phí tổ chức… có một điều được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là phải công khai các thông tin.
Nghị định nêu rõ, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện… cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản/địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu được quy định.
Cá nhân vận động từ thiện phải phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Niêm yết kết quả thu, chi tại xã 30 ngày.
Nhiều bạn đọc gửi ý kiến về đường dây nóng của Báo Giao thông cho rằng cần giải thích rõ việc đăng tải thông tin trên Facebook, Zalo cá nhân có được coi là thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hay không?
Bạn đọc Quốc Anh (Hà Nội) viết: Quy định niêm yết kết quả thu chi tại xã 30 ngày có đồng nghĩa với việc đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử xã, phường nơi cư trú hay không? Dán ở trụ sở xã thì ít người theo dõi giám sát được nhưng đăng trên cổng thông tin của xã thì hiệu ứng tốt hơn nhiều.
Bạn đọc Hà Hùng Cường (Nghệ An) cho rằng, Nghị định yêu cầu niêm yết và lưu trữ dữ liệu từ thiện tại xã nơi cư trú và xã tiếp nhận hỗ trợ là phù hợp, đảm bảo giám sát cả hai đầu.
Nhiều bạn đọc chia sẻ quan điểm: Các quy định là cần thiết nhưng nếu cấp xã, phường không hỗ trợ, phối hợp thì người vận động tự nguyện cũng rất dễ nản lòng.
Trước nay, nếu cá nhân vận động liên hệ trực tiếp với cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn hoặc trao tận nơi cho bà con hiệu quả không bị coi là trái pháp luật thì với quy định này, có thể thời gian đầu sẽ hạn chế phần nào các hoạt động thiện nguyện tự phát.
Rất hy vọng, các quy định sau một thời gian có hiệu lực sẽ được đánh giá và điều chỉnh sát nhất với thực tế cuộc sống, bạn đọc Mỹ Hoa (Quảng Nam) mong mỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận