Âm nhạc

Các nhóm nhạc trẻ loay hoay tìm chỗ đứng

19/01/2021, 05:55

Nhiều ban nhạc trẻ hiện nay đang cố gắng tồn tại, có thể kể đến những cái tên như: Ngọt, Cá hồi hoang, Chilles, Những đứa trẻ band, Limebócx…

img

Ban nhạc "Chú cá lơ" thừa nhận nhóm có nhiều áp lực về tài chính, khâu thu âm chuyên nghiệp

Giữa thị trường âm nhạc Việt sôi động hiện nay, nhiều ban nhạc Việt vẫn còn hoạt động khá manh mún, lẻ tẻ. Hiếm có ban nhạc trẻ nào có được những thành công nhất định như Ngọt, Cá hồi hoang.

Thiếu sự hỗ trợ, hoạt động tự phát

Các ban nhạc Việt từng có một thời kỳ hoàng kim với những cái tên là ký ức của nhiều người như: Ngũ Cung, Bức Tường, Anh Em, UnlimiteD…

Thế nhưng nhiều năm qua, khi đời sống âm nhạc Việt liên tục biến đổi, các ban nhạc có tiếng cũng thưa thớt hơn. Ít có những cái tên được săn đón hay trở thành những nhân vật chính trên các sân khấu lớn, sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhắc tới các ban nhạc trẻ hiện nay đang cố gắng tồn tại, có thể kể đến những cái tên như: Ngọt, Cá hồi hoang, Chilles, Những đứa trẻ band, Limebócx… Nhưng những cái tên trong số đó tạo được dấu ấn lại không nhiều.

Đã thành lập được 2 năm và ra một album mini nhưng Limebócx vẫn còn là cái tên khá lạ với đa số khán giả. Ban nhạc gồm 2 thành viên là Trang Lê và Huy Tuấn, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau và chơi những nhạc cụ khác nhau.

Hay Những đứa trẻ Band là ban nhạc đã được lập cách đây 5 năm, có phần quen thuộc hơn với khán giả trẻ Hà Nội và từng có show diễn nhỏ “Mùa hè đến đây” nhận được sự quan tâm của giới trẻ Hà Nội…

Còn rất nhiều những ban nhạc khác hiện nay đang trụ lại hoạt động, nhưng đa số vẫn đang loay hoay và hoạt động tự phát. Nguyễn Bá Trường Sơn - thành viên trong Những đứa trẻ Band tâm sự, các ban nhạc luôn gặp khó khăn về việc không có định hướng rõ ràng về cách hoạt động, hướng đi của mình. Trong khi, để phát triển được cần có định hướng, từ cách viết bài hát, màu sắc âm nhạc, PR, tổ chức những buổi biểu diễn để quảng bá sản phẩm.

“Chúng tôi còn gặp khó khăn về tài chính, thời gian của chính bản thân mỗi thành viên. Mọi người đã ở tuổi 25, 26 bắt đầu gặp nhiều áp lực hơn, nhiều trăn trở hơn”, anh thổ lộ.

Đây có lẽ là vấn đề chung cho các ban nhạc trẻ. Vì họ chưa thể sống được bằng nghề nên còn phải làm thêm những công việc khác để nuôi sống bản thân, có nguồn thu nhập ổn định. Giống như lời thừa nhận của Hà - thành viên ban nhạc Chú Cá Lơ: “Các thành viên đều có những công việc riêng nên để có được bản thu hoàn chỉnh thường lâu và rất khó vì tất cả phải sắp xếp thời gian với nhau”.

Không chỉ vậy, vì các ban nhạc hầu hết đi hát vì đam mê, không được đào tạo chuyên sâu nên không có nhiều kiến thức về chuyên môn. Kinh nghiệm của họ chủ yếu là tích cóp, học hỏi từ các ban nhạc khác. Đối với vấn đề thu âm để ra mắt các sản phẩm âm nhạc, họ không có người có kinh nghiệm chỉ dẫn hay tư vấn. Đây là một trong những khó khăn mà nhiều ban nhạc đều gặp phải.

“Chúng tôi nghĩ, nhiệm vụ của một ban nhạc là phải sáng tác và biểu diễn tốt, nên có những mặt không làm tốt được như sản xuất âm nhạc. Mọi thứ từ khâu sản xuất như master, mix… cần có sự hỗ trợ từ người chuyên nghiệp, nhưng chỉ chúng tôi tự mày mò”, Huy Tuấn - thành viên của Limebócx bộc bạch.

Chính các ban nhạc chưa chuyên nghiệp

img

Ban nhạc “Những đứa trẻ” đã thành lập 5 năm nhưng chưa tạo được nhiều dấu ấn

Một điểm nữa khiến các ban nhạc hiện nay chưa có cơ hội “lên ngôi” là thiếu các sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp. Các sân chơi ra đời để hỗ trợ các tài năng trẻ nhưng sau đó lại rơi vào tình thế rã đám.

Nhiều năm qua, nhạc sĩ Quốc Trung vẫn duy trì chương trình Monsoon Music Festival, là nơi cho nhiều ban nhạc trẻ có đất “dụng võ” nhưng chương trình cũng chỉ 1 năm tổ chức một lần.

Nhạc sĩ Anh Quân làm dự án Bandfest nhằm tạo ra các sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc, dự kiến làm định kỳ hàng năm nhưng mới tổ chức được vào năm 2018. Hay chương trình Ban nhạc Việt làm truyền hình thực tế mới được 2 mùa, năm nay đã tạm dừng…

Nhạc sĩ Quốc Trung phân tích, việc các chương trình, sân chơi được tổ chức phải “rã đám” sớm không chỉ cho thấy rằng, các tài năng âm nhạc hiện nay còn ít mà còn thể hiện sự phát triển của các tài năng vẫn hạn chế.

Họ chưa dành hết thời gian tâm huyết để làm những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Có những ban nhạc cả năm mới ra được 1 album hay sản phẩm, điều đó quá chậm cho sự đòi hỏi của thị trường hiện nay.

Nhạc sỹ tiết lộ, trước đây khi làm Rockstom hay Monsoon, đích thân anh phải đi tìm các ban nhạc, vì nghệ sĩ trẻ đã ít, có sẵn sản phẩm lại càng ít hơn. Chưa kể, các ban nhạc cũng chưa mạnh dạn đến gặp các nhà tổ chức để mong muốn hợp tác biểu diễn.

“Các bạn trẻ chưa đủ trình độ để biết chất lượng âm nhạc của mình đến đâu nên cần có sự hỗ trợ từ những người làm nhạc chuyên nghiệp. Nhưng đừng bao giờ vội nghĩ tới những show diễn hoành tráng mà trước hết phải đi từ những show diễn nhỏ, từ đó sẽ có sự lan tỏa dần và họ sẽ có kinh nghiệm hơn. Quan trọng là nghệ sĩ phải rất sáng tạo”, nhạc sỹ Quốc Trung nhận định.

Theo nhạc sỹ Quốc Trung, một ban nhạc muốn thành công phải có những sản phẩm hấp dẫn, hoàn hảo, sau đó là chiến lược PR. Muốn có điều đó, không có cách nào là họ phải dành thời gian, tâm huyết làm nhạc. Bởi thế, điều quan trọng của các ban nhạc hiện nay là phải có thời gian dành cho âm nhạc, có trau dồi, tập luyện. Họ phải chấp nhận đánh đổi các công việc khác, dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc mới có thể mong có được thành công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.