Ưu tiên của ngành Đường sắt thời gian tới là nâng cao nghiệp vụ cho những lao động có kỷ luật tốt, tâm huyết với nghề - Ảnh: Khánh Linh |
Chất lượng nhân lực của đường sắt hiện rất thấp, kéo theo nhiều hệ lụy, từ quản lý, kinh doanh, lẫn chất lượng phục vụ hành khách còn nhiều bất cập. Thực tế này đòi hỏi ngành Đường sắt cấp thiết triển khai nhiều giải pháp nâng cao trình độ người lao động, đồng thời có chính sách phù hợp để hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lương thấp nên chỉ làm thế thôi!
Sau khi tham gia khóa đào tạo về kĩ năng phục vụ do đường sắt phối hợp với Học viện Hàng không VN tổ chức, Trưởng tàu SE1/2 Bùi Xuân Hải (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) chia sẻ: “Mấy chục năm đi tàu, làm trưởng tàu, nhưng chỉ qua khóa tập huấn này, tôi thấy nhận thức của mình vỡ ra nhiều. Những kỹ năng giao tiếp, ứng xử được học hỏi từ hàng không thực sự hữu ích trong công việc và cả cuộc sống”.
Tuy vậy, anh Hải cũng băn khoăn: “Sẽ rất khó khăn để người lao động tự nhận thức, từ đó nâng cao ý thức, tự giác phục vụ hành khách một cách chu đáo, chuyên nghiệp trong khi thu nhập còn thấp”.
"Giai đoạn 2017-2020, Tổng công ty Đường sắt VN dự kiến đào tạo lại cho lãnh đạo, viên chức quản lý khoảng 250 người; viên chức chuyên môn nghiệp vụ 500 người; người lao động (nâng cao kiến thức kỹ năng nghề) 1.000 người. Đối với đào tạo mới nâng cao trình độ, từ đại học trở lên 500 người, từ trung cấp, cao đẳng nghề 1.000 người. Hàng năm, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đường sắt VN phải dành nguồn kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tối thiểu bằng 1,5% doanh thu và phải được ghi trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm”. Ông Cao Minh Tuân |
Chia sẻ của anh Hải là thực tế mà ngành Đường sắt đang phải đối mặt. Một cán bộ, nguyên là lãnh đạo đơn vị quản lý đội ngũ phục vụ trên tàu cho biết, trình độ người lao động rất thấp. Các cơ sở lại chỉ chú trọng đào tạo nghề mà coi nhẹ nội dung kỹ năng giao tiếp với khách hàng. “Phải thừa nhận, tâm lý của phần lớn người lao động vẫn mặc nhiên cho rằng: “Lương thấp thì chỉ làm thế thôi” nên không ý thức phục vụ hành khách tận tình, thái độ ứng xử kém”, vị lãnh đạo này nói.
Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: “Người lao động đường sắt còn thụ động, trì trệ, ý thức phục vụ không cao. Đây là một trong các yếu tố dẫn đến khách hàng xa rời đường sắt”.
Ông Hùng cho biết, tính đến ngày 30/9/2017, toàn công ty có 4.786 lao động, trong đó chủ yếu là khối đi tàu, cấp nước, tác nghiệp với 1.408 lao động và khối khách, hóa vận, bổ trợ và dịch vụ với 1.660 lao động. Về trình độ lao động, có đến 2.235 lao động trình độ sơ cấp, 1.201 lao động trình độ trung cấp. Tuy nhiên, lao động trình độ đại học cũng khá đông với 1.159 người.
Theo ông Cao Minh Tuân, Trưởng ban Tổ chức cán bộ (Tổng công ty Đường sắt VN), tính đến 30/9/2017, Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN có 8.019 CBCNV. Trong đó, trình độ sơ cấp 1.947 người (chiếm 24,3%); trình độ trung cấp, cao đẳng 4.053 người (chiếm 50,5%); trình độ đại học 1.844 người (chiếm 23%); trình độ thạc sĩ 138 người (chiếm 1,7%); trình độ tiến sĩ 5 người (0,1%)…
Ông Tuân cho rằng, hạn chế hiện nay của nguồn lao động này là việc được đào tạo chuyên môn để có điều kiện tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới còn hạn chế; Thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi, lao động chuyên môn nghiệp vụ có tay nghề cao; Chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng phát triển công nghệ mới…
Nguyên nhân của tình trạng này là do đặc thù của ngành Đường sắt trải qua một thời gian dài chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất, công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật còn cũ kỹ, lạc hậu. Lao động chủ yếu là thủ công nặng nhọc độc hại, phải sử dụng số lượng lao động lớn, năng suất lao động thấp dẫn đến hiệu suất, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh chưa cao. Vì vậy, thu nhập của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu, nên việc thu hút lao động có trình độ cao còn khó khăn, hạn chế.
Cách nào hút lao động chất lượng cao?
Trao đổi với Báo Giao thông về các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, ông Trần Thế Hùng cho rằng, một trong các mục tiêu của công tác tái cơ cấu ngành Đường sắt hiện nay là tinh giản biên chế. Đây là biện pháp đào thải lao động không có năng lực, ý thức kém để tuyển những lao động tốt hơn. Tuy nhiên, với những lao động chuyên môn chưa tốt nhưng ý thức tốt, phải tổ chức đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
“Khi lực lượng lao động được rút bớt, sẽ có điều kiện để tăng thu nhập cộng với các cơ chế ưu đãi, từ đó khuyến khích người lao động làm việc với chất lượng tốt cũng như thu hút lao động có chất lượng cao”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết, hai năm qua, kể từ khi công ty đi vào hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, công ty đã tiến hành nhiều chương trình, kế hoạch đào tạo và đào tạo lại lao động. Cụ thể, năm 2016 đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực kinh doanh cho các giám đốc và trưởng phòng kinh doanh các chi nhánh vận tải, các cán bộ kinh doanh của công ty. Bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng sử dụng lao động cho giám đốc và trưởng phòng nhân sự các đơn vị, trưởng các phòng nghiệp vụ cơ quan công ty. Năm 2017, đang thực hiện chương trình bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, do Học viện Hàng không thực hiện cho gần 500 CBCNV khối công tác trên tàu, dự kiến năm 2018 sẽ tiếp tục đào tạo cho 600 lao động…
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đoàn Duy Hoạch cho biết, tổng công ty đã ban hành Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt. Các đơn vị, công ty trực thuộc sẽ căn cứ vào chiến lược này, xây dựng kế hoạch hàng năm để chủ động đào tạo và sẵn sàng thay thế lao động khi cần. Ngành Đường sắt tới đây đặc biệt chú trọng quy hoạch lao động trẻ, lao động nữ; bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp và luân chuyển đào tạo ở thực tế cơ sở để tuyển chọn, bổ sung nguồn nhân lực lao động quản lý trong giai đoạn tiếp theo. Cùng đó, đường sắt sẽ áp dụng chế độ tuyển dụng công khai thông qua thi tuyển. Với lực lượng lao động cũ, sẽ tăng cường kiểm tra, sát hạch nghề định kỳ và tổ chức đào tạo lại…
“Hiện, tổng công ty hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức đường sắt tại Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo trong ngành cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên được cử đi tập huấn. Tổng công ty cũng vừa ký hợp tác chiến lược với trường Đại học Công nghệ GTVT để có được nguồn lao động đầu vào chất lượng, sát với nhu cầu thực tế”, ông Hoạch nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận