Tổ công tác Bộ GD&ĐT cùng chính quyền tỉnh Sơn La công bố kết luận sai phạm. |
Liên quan đến sai phạm về điểm thi tại Sơn La sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018, trao đổi trên Zing.vn, Tiến sĩ - Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho hay, để phát hiện được bút tích sửa chữa/tẩy xóa ở các phiếu trả lời trắc nghiệm là do thí sinh làm hay người khác can thiệp thì phải thực hiện việc giám định để đảm bảo tính khách quan, trung thực. Tuy nhiên, việc giám định đó phải sử dụng thiết bị khoa học hiện đại; thậm chí phải áp dụng biện pháp xét nghiệm hóa lý.
Thực tế, công nghệ kính hiển vi điện tử hiện nay hoàn toàn có thể tìm ra bản chất chữ viết bằng các loại mực, kể cả các dấu vết đó đã bị tẩy xóa, sửa chữa.
Quá trình giám định, thiết bị chuyên dụng sẽ tìm ra chi tiết bị chỉnh sửa, tẩy xóa nếu trên bài thi của thí sinh có sự can thiệp của người khác. Trường hợp các dấu vết khác nhau do nhiều người tác động, việc giám định có thể phát hiện ra sự khác nhau giữa vết tẩy xóa, sửa chữa so với đáp án thí sinh đã chọn.
Hiện nay, cơ quan giám định thường sử dụng phương pháp giám định tuổi mực để xác định việc sửa chữa, tẩy xóa trên các tài liệu viết. Về pháp lý, tuổi mực cũng được cơ quan chức năng trong nước công nhận là một chứng cứ khoa học khi điều tra vụ án.
Theo Tiến sỹ Hoàng Mạnh Hùng, với sự việc xảy ra ở Sơn La, để tìm ra dấu vết can thiệp bài thi gốc, cơ quan giám định trước hết cần chọn ra một số bài thi điển hình. Tiếp đó, cơ quan điều tra xác định loại bút, mực thí sinh đã sử dụng khi làm bài.
Cuối cùng cần tiến hành thực nghiệm để thí sinh làm bài thi, sử dụng làm mẫu để so sánh với các bài thi bị nghi chỉnh sửa, tẩy xóa. Quá trình giám định toàn diện có thể giúp cơ quan điều tra phát hiện sai phạm.
Trước đó, báo Giao thông đã đưa tin, trưa 23/7, Tổ công tác của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Sơn La, cùng các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã công bố kết quả những sai phạm trong khâu chấm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Tổ công tác xác định có 17 bài thi Ngữ Văn có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm). Trong đó, có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 đến 4,5 điểm.
Về bài thi trắc nghiệm, chứng cứ ban đầu cho thấy có dấu hiệu tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GDĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau.
Hiện tại, các cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu phiếu trả lời trắc nghiệm bị sửa, bởi file ảnh quét lưu lại kết quả chấm đang phù hợp phiếu trả lời trắc nghiệm. Đó cũng là lý do tổ công tác không tiến hành chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm trong những ngày qua.
Ngày 26/7, cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự, để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La có dấu hiệu bị sửa điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận