Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ rà soát việc triển khai quản lý cảng, bến thuỷ trên toàn quốc để đề xuất giải pháp cần thiết |
Nhiều hệ lụy từ bến không phép
Gần đây, quan sát trên tuyến vận tải các sông Hồng, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình, Công, Ninh Cơ... phổ biến tình trạng phương tiện (nhất là chở vật liệu xây dựng, quặng, dăm gỗ, than) chở quá tải trọng cho phép lưu thông. Theo một số lãnh đạo Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ), đây chính là “bề nổi” của tình trạng cảng, bến thủy hàng hóa không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Nhiều bến thủy chưa được Sở GTVT cấp phép, gia hạn giấy phép, nhưng hàng ngày vẫn bốc dỡ hàng hóa. Có bến nằm ở ven sông, được xây dựng bình thường như bến có phép, nhưng cũng có bến nằm ngay gầm cầu vượt sông, lấn chiếm hành lang thoát lũ, ngay tại khu vực có biển báo đường thủy cấm phương tiện dừng, đỗ.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong tháng 12/2017 các Đoàn công tác của Cục sẽ đi kiểm tra, rà soát việc triển khai quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên toàn quốc. Mục đích của đợt tổng kiểm tra, rà soát này nhằm đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch về cảng, bến thủy nội địa trên toàn quốc và đề xuất cơ chế, giải pháp quản lý phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong đầu tư, kinh doanh cảng, bến thủy nội địa. |
Ông Trần Văn Thắng, chủ một bến thủy có phép trên sông Công (Thái Nguyên) cho biết: “Bến có phép phải tuân thủ đủ các quy định hoạt động cảng, bến, còn bến không phép thì ngược lại. Do đó, bến không phép thường đưa ra giá bốc xếp rẻ hơn, sẵn sàng đón nhận tàu chở quá tải, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Về phía đơn vị quản lý, một số lãnh đạo Đại diện Cảng vụ đường thủy cho biết, cảng vụ không được vào kiểm soát bến, phương tiện tại bến thủy không phép, không thu được phí cảng vụ. “Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, nhưng sau khi xử phạt vi phạm hành chính bến vẫn hoạt động, trong khi thẩm quyền cưỡng chế, giải tỏa vi phạm thuộc chính quyền địa phương”, Trưởng đại diện một cảng vụ đường thủy ở phía Bắc cho biết.
Theo ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, có những trường hợp bến không phép do địa phương chưa có quy hoạch bến thủy hoặc thay đổi cơ chế về sử dụng đất làm bến thủy nên chưa cấp phép, chưa gia hạn giấy phép hoặc bến nằm ở vị trí gây ảnh hưởng đến ATGT, đê điều nên không thể cấp phép. Trong khi đó, địa phương cũng không quan tâm đến việc sắp xếp tạm hay giải tỏa bến không phép, khiến bến không phép vẫn tồn tại song song với bến có phép, ảnh hưởng đến việc quản lý vận tải, kinh doanh cảng bến thủy.
Trong khi đó, một số lãnh đạo Đội Thanh tra - an toàn đường thủy cho biết, hầu hết các bến thủy không phép đều đã bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nhưng cũng không thể thường trực để ngăn bến hoạt động.
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, toàn quốc có 10.772 bến thủy bốc xếp hàng hóa, trong đó có tới 1.897 bến chưa có giấy phép hoạt động (chiếm 23%). Trong đó, trên các tuyến đường thủy quốc gia có 3.100 bến có phép và hơn 1.400 bến không phép, các bến có phép nằm rải thành cụm bến hoặc đan xen giữa bến có phép và không phép, gây ra sự lộn xộn trong phát triển GTVT đường thủy.
Từ năm 2015, Bộ GTVT phân cấp cho Sở GTVT địa phương cấp phép hoạt động bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và địa phương. Thế nhưng, nhiều địa phương lại vẫn đang “giữ nguyên hiện trạng”, chưa cấp phép mới, cấp phép lại hoặc giải tỏa bến trái phép vì chưa ban hành được quy hoạch cảng, bến hoặc vướng mắc trong vấn đề quản lý đất đai tại các bến.
“Theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ, các địa phương có trách nhiệm lập quy hoạch bến thủy nội địa, nhưng đến nay mới có 16 địa phương có quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương chậm trễ trong việc cấp phép. Bên cạnh đó, một số địa phương không sắp xếp, giải tỏa những bến không đủ điều kiện cấp phép, do nằm ở vị trí hành lang bảo vệ công trình vượt sông, kè...”, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Ông Giang cho rằng, để giải quyết cơ bản vấn đề cảng, bến thủy hoạt động không phép cần có sự quan tâm của chính quyền các địa phương, cũng như cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. “UBND các tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch bến thủy cần đẩy nhanh việc lập và phê duyệt quy hoạc bến thủy. Trước mắt, nên giải quyết đối với những bến không nằm ở vị trí gây mất ATGT, cho phép Sở GTVT cấp phép trong thời hạn 1 năm, sau đó bổ sung vào quy hoạch. Đối với những bến nằm ở vị trí gây mất ATGT, không đủ điều kiện cấp phép, địa phương cần có biện pháp giải tỏa trong năm 2018”, ông Giang đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận