Chuyện dọc đường

Cách nào thoát khỏi hung thần đường phố?

04/01/2019, 07:48

Vì sao những chiếc xe container, xe tải phóng như bay trên đường luôn khiến chúng ta hoảng sợ?

15

Hiện trường vụ tai nạn xe container đâm hàng chục xe máy chờ đèn đỏ lại Long An khiến 4 người chết, gần 20 người bị thương ngày 2/1

8.200 người chết và ám ảnh cuộc đua tử thần

Đường Nguyễn Văn Linh qua quận 7 (TP.HCM) có thể coi là một tuyến đường xe container điển hình. Xe container đủ kiểu chạy 24/24 giờ. Những chiếc xe đầu kéo to ngật ngưỡng, gồng trên mình container 20 rồi 40 feet bò ì ạch, có lúc lại phóng như bay trên đường như trong phim “Cuộc đua tử thần”.

Cũng phải nói là cách chạy mỗi xe một khác, có bác tài điềm đạm, cẩn trọng, đi đúng cách, đúng luật. Song tỷ lệ xe chạy ẩu, chạy sai đủ kiểu là rất nhiều: các xe đầu kéo chạy không hàng hoặc chỉ có 1 cuộn thép phía sau thường chạy như đua xe trên đường, mặc cho xe kêu ầm ĩ, cục thép luôn như muốn nhảy xuống đường.

Còn việc chạy tạt đầu, ép xe nhỏ hơn, sang làn liên tục… thì cả xe chở nhẹ hay nặng đều diễn ra như cơm bữa.

Mà không chỉ ở Quận 7, kể cả Quận 2, Thủ Đức, Hóc Môn, người dân hàng ngày vẫn nơm nớp đi cạnh những chuyến xe bão táp như vậy.

Va chạm giữa ô tô con với xe tải, xe container còn đỡ, chứ tai nạn với xe gắn máy thì mấy năm qua đã quá nhiều không cần phải liệt kê ra đây, mà vụ “thảm sát” chiều 2/1/2019 là thuộc loại khủng khiếp nhất với 4 người chết và gần 20 người bị thương nặng.

Hai năm 2017 và 2018, mỗi năm có hơn 8.200 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có rất nhiều vụ do xe container gây ra. Còn số bị thương tật thì thường cao hơn số người chết kia nên di hại cho xã hội là cực lớn.

Những “quái vật” ngáng đường, biển người chôn chân

Do công việc, tôi hay phải đi từ Quận 7 qua Quận 2, Quận 9 và ngược lại. Một trong những nỗi kinh hoàng trên trục đường này là cầu Phú Mỹ và nút giao thông Mỹ Thủy giữa đường Đồng Văn Cống và Võ Chí Công, quận 2, TPHCM.

Lần gần đây nhất, tôi mất 3 giờ đứng yên tại chỗ rồi nhích từng centimet để lên được đỉnh cầu Phú Mỹ, thì thấy một chiếc xe container cũ, cũ đến mức gần như đống sắt vụn đang chết máy trên đỉnh cầu và đợi xe cứu hộ đến kéo đi.

Các tuyến đường xung quanh đó coi như tê liệt, cả ngàn chiếc xe lớn nhỏ đủ loại lúc đầu chôn chân dưới nắng nóng, sau nhích dần đến tối chưa thoát ra nổi chỗ kẹt này.

Gần như ngày nào, người chạy xe dọc đường Nguyễn Văn Linh cũng có thể thấy đủ loại xe tải, xe container… chết máy nằm dọc đường với mấy cành cây rải phía sau xe. Có những xe thảm đến mức không lết nổi vào ven đường, gây nguy hiểm, ách tắc cho hầu hết các xe lưu thông trên tuyến đó.

Cách nào khống chế hung thần?

Không chỉ xe container, mà xe khách các loại, nhất là xe lớn 45 chỗ, xe tải các loại được giao vào tay những tài xế vô lương tâm, thiếu trách nhiệm… đang là những hung thần hàng ngày tung hoành ngang dọc trên các nẻo đường đất nước và gây ra vô số tai nạn thương tâm hàng năm.

Các cuộc phỏng vấn sâu với hàng chục lái xe của chúng tôi cho thấy có những nguyên nhân cần được khắc chế. Mục tiêu không phải quá khó, miễn là cơ quan chức trách cao nhất có biện pháp toàn diện và ngăn ngừa từ xa thay vì chú trọng đi xử lý vụ việc.

Đầu tiên là việc chúng ta đang tiếp tục cho nhập xe cũ. Các quy định nhìn qua thì khá tốt, vì xe cho nhập mới sử dụng 5 năm. Song trên thực tế, với dân nhập khẩu chuyên nghiệp, việc làm lại số khung, số máy… trên xe cực cũ để hợp chuẩn nhập là quá dễ và rẻ, mang lại món lời siêu cấp. Đó là chưa kể đến việc có thể “thông cảm” lúc nhập. Chính thế mới có những “đống sắt di động” chạy trên đường và gây ra vô số phiền toái, nguy hiểm.

Đường xá đã đẹp lên, nhu cầu an toàn cao lên, đã đến lúc phải nói không với việc nhập các loại xe cũ như vậy.

Tiếp theo là kiểm định xe. Nếu các quan chức có trách nhiệm chịu khó “vi hành”, họ có thể thấy các loại xe “sắt vụn” vẫn vào trạm kiểm định và ra khỏi đó với những chiếc tem dán trên kính. Mà nếu vào trạm này không được, họ chạy qua trạm kia với mục tiêu cuối cùng là có tem dán đủ điều kiện lưu hành. Những chiếc xe phun khói mù mịt trên đường và chết máy nằm la liệt khắp nơi cần được xem là bằng chứng sống tố cáo điều này.

Tiếp nữa là thói quen và ý thức của tài xế. Muốn tiết kiệm nhiên liệu, xe kềnh càng phanh gấp dễ gây tai nạn nên đa phần bác tài xe khủng đều không muốn phanh, chỉ đánh lái để giữ trớn. Cách lái xe bạt mạng kiểu ông lớn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.

Còn tin đồn có một tỷ lệ rất lớn, nếu không muốn nói phần lớn lái xe đường dài, cả xe khách và nhất là xe container rượu bia bừa bãi, nghiện hút đã có bằng chứng sống động khi cơ quan công an cho biết lái xe container đâm hơn 20 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An vừa dương tính với ma túy vừa có nồng độ cồn trong máu.

Chủ xe có biết tất cả các chuyện này không? Chắc chắn biết! Vậy vì sao họ không can thiệp, ngó lơ? Vì lợi nhuận, vì cạnh tranh hay hơn cả là vì chưa có những bài học thiệt hại nhãn tiền? Và nếu vi phạm chỉ xảy ra ở những tài xế đơn lẻ, các cơ quan quản lý nhà nước dù 360 đầu, 360 tay cũng không thể biết và kiểm soát được việc này.

Chính vì thế, ngoài quy định chủ xe phải đền bù cho nạn nhân như hiện nay, nên bổ sung các hình phạt thật nặng với chủ xe: phạt cao gấp hàng chục lần hiện nay, rút giấy phép vận chuyển, đóng cửa công ty nếu cần. Xin hỏi có tàn nhẫn quá với những người lao động trong công ty đó không? Thưa không, vì họ chỉ mất việc thời gian ngắn, có trợ cấp rồi lại có việc mới ngay, còn hình phạt nặng đó mới đủ răn đe và không gây hại thảm khốc cho xã hội như vừa rồi tất cả chúng ta đã thấy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.