Phòng nghiệp vụ công an thành phố tập huấn kiến thức nhận biết dấu hiệu giấy tờ xe bị làm giả. |
Ngày 8/5 Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa tổ chức tập huấn chuyên đề phân biệt tài liệu thật, giả trong công tác trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho lực lượng CSGT và công an 30 quận, huyện.
Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Công an Hà Nội đã liên tục phát hiện nhiều trường hợp xe đang lưu thông, thậm chí xe đưa đến làm thủ tục thay đổi biển số, hay xe mang đi đăng kiểm đã sử dụng biển số, giấy tờ giả. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện ra một nhóm đối tượng nhập lậu xe về rồi móc nối với các doanh nghiệp trong nước để dễ bề tiêu thụ.
Gần đây nhất, trong tháng 4/2017, trong một công văn khẩn gửi Cục CSGT - Bộ Công an, Cục Đăng kiểm đề nghị điều tra làm rõ về 32 chiếc xe ô tô sang làm giả hồ sơ nguồn gốc tịch thu bán đấu giá của các địa phương, hồ sơ đăng ký để kiểm định. Trong 32 xe nói trên, có tới 25 xe hiệu Lexus thuộc các dòng LX570, RX350 với trị giá từ 3 - 7 tỉ đồng, còn lại 7 xe thuộc các nhãn hiệu Mercedes, Audi, Land Rover. Những xe này mượn biển của các xe bình dân hiệu Toyota, Daewoo, Kia hay Fiat trong đó có 3 xe biển số 30E - 568.07, 51F - 443.63 và 51G - 262.46 còn không có dữ liệu trên hệ thống.
Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý xử lý doanh nghiệp Auto Euro vì những gian lận tương tự.
Qua theo dõi, Cục CSGT thấy gần đây nổi lên một số thủ đoạn như tẩy xoá vết mờ, làm giả giấy tờ của xe hoặc chứng từ nguồn gốc như chủ sở hữu, trước bạ; Sửa chữa giấy tờ gốc của xe, phiếu kiểm tra xuất xưởng vì đây là những giấy tờ quan trọng để chứng minh một chiếc xe hợp pháp. Ngoài việc làm giả hồ sơ gốc, gần đây các đối tượng còn làm giả cả chứng từ lệ phí trước bạ (do lệ phí làm giấy tờ này lớn), trong khi đó loại giấy tờ này là được in từ máy tính ra, không có dấu bảo mật, lại do nhiều nơi thu như kho bạc, ngân hàng nên việc phát hiện cũng vô cùng khó khăn. Thủ đoạn khác nữa là tẩy xoá số khung, số máy của phương tiện bất hợp pháp, rồi thay đổi lại một vài con số trên bề mặt tổng thành máy cho phù hợp với hồ sơ đăng ký xe.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua cán bộ chiến sĩ phòng CSGT cũng đã phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả để đăng ký, lưu hành phương tiện. Những giấy tờ giả này được làm giả hết sức tinh vi, khó phát hiện. Hiện nay hệ thống in cũng như sử dụng các thủ thuật tạo ra phôi, chữ ký rất giống so với giấy tờ thật. Tất cả những giấy tờ giả này đều đã được chuyển sang cơ quan CSĐT để điều tra xử lý đối tượng vi phạm.
Để hướng dẫn phân biệt giấy tờ giả liên quan đến hồ sơ môtô và môtô, Đại úy Lê Thị Kim Tuyến, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội chỉ rõ các dấu hiệu cơ bản:
Phôi đăng ký xe thật có sợi bảo vệ phát quang dưới nguồn SPOT còn đăng ký xe giả không có; đăng ký xe thật có công an hiệu phát quang dưới nguồn UV còn đăng ký xe giả không có; mặt trước của đăng ký xe thật phóng đại 30 lần, hoa văn nền vẫn liên tục, sắc nét còn với đăng ký xe giả, phóng đại 30 lần thì hoa văn nét đứt đoạn, quan sát thấy nhiều hạt mực khác nhau nằm đan xen.
Đăng ký xe có mã số hiệu không được tạo ra bằng phương pháp đóng dấu trực tiếp sẽ là đăng ký xe giả. Mã số của đăng ký xe thật được đóng dấu trực tiếp, thể hiện rõ dấu vết tràn mực tại ria mép, còn mã số hiệu của đăng ký xe giả được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên không có dấu vết tràn mực, ria mép có nhều hạt mực khác nhau đan xen. Trong khi đó, hình dấu thật đồng màu, có dấu vết in typo còn hình dấu giả nhiều hạt màu đan xen, mực đồng đều, không có dấu vết tràn mực của phương pháp đóng dấu trực tiếp...
Hỗ trợ cho công tác phát hiện giấy tờ giả, cán bộ làm công tác đăng ký xe cần được trang bị một số dụng cụ quan sát đơn giản với độ phóng đại từ 10 đến 30 lần như: Kính lúp, kính hiển vi cầm tay để có thể phát hiện ra các tài liệu nghi giả. Đồng thời cần sử dụng các biểu mẫu thống nhất trong toàn quốc, quy định rõ ràng phương pháp in, đặc điểm bảo an của từng biểu mẫu.
Theo thống kê, năm 2016 đơn vị giám định Công an TP Hà Nội đã tiến hành giám định gần 2.000 vụ liên quan đến phương tiện giao thông, trong đó, đa phần các vụ việc tiến hành giám định có phát hiện hiện tượng giả mạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận