Ba nhóm nguyên nhân
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho một trẻ nhỏ bị vẹo cột sống.
Trở về sau chuyến du lịch biển trước khi con chuẩn bị bước vào năm học mới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (quận Ba Đình, Hà Nội) vội vàng thu xếp công việc đưa con đi khám cột sống.
Cả hai vợ chồng anh Thành đều buôn bán tự do, rất bận bịu, lần lữa mãi mới tổ chức được cho con chuyến nghỉ mát cuối hè.
Thế nhưng, vợ chồng anh tá hỏa khi phát hiện sự bất thường lúc cô con gái 13 tuổi tắm biển, với dấu hiệu lưng không thẳng.
Đưa con đi khám, nghe bác sĩ thông báo con vẹo cột sống 25 độ, cần dùng áo nẹp chỉnh hình cột sống, vợ chồng anh trách cứ nhau không quan tâm đến con.
“Mốt quần áo của trẻ bây giờ rộng thùng thình, người lớn khó nhận diện ra bất thường cơ thể của trẻ. Cũng may, bác sĩ cho biết chưa đến mức phải can thiệp phẫu thuật”, anh Thành chia sẻ.
Phát hiện muộn hơn khi cột sống đã lệch gần 60 độ, bé gái L.K.C (Nghệ An) được các bác sĩ Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ định phải phẫu thuật.
Bố mẹ của bé C cũng không nhận ra con cong vẹo cột sống từ khi nào và chỉ vô tình phát hiện trong lần vô tình “ngắm” con từ đằng sau.
BS Nguyễn Hoàng Long, Phó khoa Phẫu thuật cột sống cho biết, tình trạng cong vẹo cột sống thường được phát hiện ở tuổi dậy thì, bởi đây là giai đoạn cột sống của trẻ biến dạng rất nhanh.
Ước tính, có từ 2 - 3% trẻ trong độ tuổi này có thể bị cong, vẹo cột sống. Tuy nhiên, không ít trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa khám rất muộn vì sự chủ quan từ cha mẹ.
BS Long cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây bệnh vẹo cột sống trẻ em.
Nhóm thứ nhất là tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì.
Nhóm hai là trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống...
Nhóm ba là do tư thế như ngồi học không đúng, mang vác quá nặng hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn.
Làm sao để nhận biết sớm?
Theo BS Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, vẹo cột sống được xác định khi đường cong của cột sống từ 10 độ trở lên, việc điều trị phụ thuộc vào mức độ cong vẹo cột sống của trẻ.
Để phát hiện bệnh, cha mẹ có thể để trẻ đứng thẳng và cúi người dần xuống, bố mẹ đứng trước hoặc sau để quan sát hai bên lưng có cân đối, có bằng nhau không. Với trẻ gầy, có thể nhìn xem gai cột sống có nằm trên đường thẳng không.
Nếu phát hiện sớm đôi khi trẻ chỉ cần điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình… Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, các ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.
BS Trần Văn Dần
Nếu mức độ vẹo nhẹ dưới 20 độ, có thể theo dõi, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ.
Với góc vẹo từ 20 - 40 độ, sẽ dùng áo nẹp chỉnh hình cột sống, còn khi độ cong vẹo từ 40 - 50 độ trở lên thì cân nhắc phẫu thuật.
Ông Dần chia sẻ, để nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống, phụ huynh để ý những dấu hiệu điển hình như: Vai nghiêng, không đều, một bên nhô cao hơn bên còn lại, hông bị lệch, vòng eo không đều.
Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn trưởng thành như: Lệch hông, giảm chiều cao, đau lưng, yếu cơ, mất khả năng vận động, đau chân.
Thậm chí, biến chứng gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng trẻ.
Chính vì vậy, các gia đình có con trong tuổi dậy thì không được chủ quan, tăng cường quan sát trẻ, nếu thấy bất cứ biểu hiện bất thường, cơ thể không cân xứng… cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế để kiểm tra.
Trên thực tế, nhiều gia đình khi biết con có vấn đề cong vẹo cột sống, đã đưa con tìm đến với phương pháp nắn chỉnh Chiropractic, vốn được quảng cáo rầm rộ “điều trị triệt để chỉ trong 1 liệu trình” thời gian gần đây.
Tuy nhiên, BS Long khẳng định: “Phương pháp này chỉ có ý nghĩa hỗ trợ cho hệ cơ của trẻ mềm dẻo, linh hoạt hơn, hỗ trợ cho trẻ đeo áo chỉnh hình cột sống.
Ngay với việc mặc áo nẹp chỉnh cột sống cũng yêu cầu các trẻ phải mặc từ 16 tiếng/ngày trở lên, do vậy các phương pháp tác động 1 - 2 tiếng/ngày không có tác dụng với biến dạng cột sống”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận