Từ thay đổi nếp nghĩ cách làm đến phong trào xây dựng nông thôn mới giúp các ngôi làng ở huyện Ia Grai (Gia Lai) có diện mạo mới.
Đường nông thôn mới làm thay đổi diện mạo các làng đồng bào thiểu số ở Ia Tô
Giao thông làm thay đổi bộ mặt
Ia Tô là một trong 2 xã của huyện Ia Grai (Gia Lai) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền và người dân xã này nỗ lực triển khai hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt để về đích.
Làng Del có 244 hộ với 940 khẩu (100% là người Jrai). Với lợi thế về cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều và các loại cây ăn quả khác nên làng Del được xã Ia Tô chọn làm điểm trong việc xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiệu quả rõ rệt nhất trong xây dựng NTM là cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.
Ông Siu Klih trú tại làng Del cho hay: “Trước đây, con đường làng chúng tôi vừa nhỏ vừa bị sình lầy vào mùa mưa. Công việc của người dân như vận chuyển hàng hoá và phục vụ đi lại đều rất khó khăn.
Trước tình cảnh ấy, chính quyền xã Ia Tô đã phát động phong trào xây dựng NTM. Xã phát động hiến đất để làm đường, làng Del đã vận động người dân đóng góp mỗi hộ 350 ngàn đồng để làm 900 m đường nông thôn. Hưởng ứng lời kêu gọi, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và tự nguyện tháo rời hàng rào của mỗi hộ dân hiến thêm mỗi bên hơn 2 m.
Ông Puih Glang - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Del chia sẻ và cho biết thêm: “Đến nay, phần lớn nhà ở của người dân được chỉnh trang, có cổng, hàng rào. Bà con tích cực cải tạo vườn tạp, trồng cây xanh, thu gom rác thải để tạo cảnh quan môi trường nơi ở sạch đẹp.
Ông Klih và cả dân làng Del ai cũng vui: “Giờ đây, con đường được cứng hóa giúp bà con đi lại thuận tiện. Vui vì trong ngôi làng này ai cũng góp sức làm thay đổi bộ mặt làng quê", ông Siu Klih chia sẻ.
Chung tay xây dựng làng quê
Theo UBND xã Ia Tô, để thực hiện chương trình mục tiêu NTM, năm 2020, qua rà soát, xã Ia Tô còn đến 5 tiêu chí cần hoàn thành. Riêng tiêu chí giao thông và nhà ở dân cư là khó thực hiện nhất bởi cần nhiều kinh phí.
“Cái khó ló quyết tâm”, xã đã huy động được gần 8 tỷ đồng từ đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và sự chung sức của người dân kết hợp nguồn vốn ngân sách xã để hoàn thành từng tiêu chí NTM.
Xã cũng vận động các nguồn lực hợp sức sửa chữa hoàn thành 3,1 km đường giao thông tại các làng: Del, Ta, Nang, Kmông, làng De Lung 1 và De Lung 2; thi công 400 m đường từ thôn 4 đi làng Krung. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Châm cùng các thôn, làng huy động kinh phí triển khai sửa chữa 1 km đường; hỗ trợ kinh phí trên 200 triệu đồng làm đường điện chiếu sáng cho các thôn 4, 5, 6 và 7, cấp quỹ đất xây dựng hội trường thôn.
Cuối năm 2020, xã Ia Tô đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,4 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,61% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020...
Ông Trịnh Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Ia Tô cho biết: “Trong thực hiện cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, tận dụng tối đa các cơ chế, nguồn lực từ các cấp, ngành và vận động các nguồn xã hội hóa trong dân hoàn thiện lần lượt từng tiêu chí. Chính vì vậy, phong trào xây dựng NTM được người dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Hùng khẳng định.
Nếu như năm 2018, toàn huyện Ia Grai có 3 làng đầu tiên gồm: Làng Jút 2 (xã Ia Dêr), làng Me (xã Ia Hrung) và Dút 1 (xã Ia Sao) đạt chuẩn NTM; thì đến năm 2019, huyện tiếp tục có thêm 4 thôn, làng đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có thêm 12 thôn, làng đạt chuẩn NTM; nâng tổng số thôn, làng đạt chuẩn NTM của huyện lên con số 19. Tiếp tục nhân rộng thực hiện mô hình và tập trung nguồn lực xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện Ia Grai phấn đấu đến cuối năm 2021 có thêm 8 làng đồng bào DTTS và 2 thôn đạt chuẩn NTM. Huyện Ia Grai cũng là địa phương có số thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nhiều nhất tỉnh với 19 thôn, làng/09 xã.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết, xây dựng NTM không chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được nội lực trong dân. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Ia Grai đã huy động hơn 1.557 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, ngân sách trung ương gần 66,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 17 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 374,5 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng hơn 1.083 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp hơn 8,5 tỷ đồng; nguồn vốn huy động sự đóng góp của nhân dân là 8 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn trên, huyện đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở… Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 4 xã và 7 làng đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,24%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận