Được viết bằng ngôn ngữ của tình yêu, trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” như một cơ thể sống có xương cốt (cốt truyện) của văn xuôi và da thịt ngôn ngữ của thơ. Đó là chuyện cuộc đời, chuyện dòng sông, chuyện thiên nhiên, chiến tranh và hòa bình, đất nước và nhân loại.
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc tại buổi giao lưu tác giả, tác phẩm “Cảm ơn Người, sông Mekong” tại Thư viện Quốc gia ngày 19/4 trong khuôn khổ chương trình “Sách và văn hóa đọc 2023”. (Ảnh: Như Quỳnh)
Ý tưởng đầu tiên thôi thúc người thi sĩ xứ Thanh viết về dòng Mekong là vào năm 2014, khi được ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho xem cuốn sách ảnh “Mekong ký sự” do NSND Phạm Khắc làm chủ biên cùng 99 tập phim ký sự cùng tên.
Hơn ai hết, cha đẻ của cuốn “Cảm ơn Người, sông Mekong” hiểu rằng, điều làm thành công của một tác phẩm không nằm ở đề tài cũ hay mới mà đó là cách thể hiện, là tâm huyết của người viết đặt vào đứa con tinh thần của mình.
Bởi, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, dù được lấy ý tưởng từ bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng sức vang của Truyện Kiều là không thể phủ nhận.
Hay nhà Đại văn hào người Anh Shakespeare cũng từng viết vở "Othello" trên nền của một truyện ngắn của nhà văn người Ý nhưng tác phẩm "Othello" vẫn được giới độc giả yêu mến. Như vậy, vấn đề không phải là đề tài cũ hay mới mà là cách viết như nào cho hay. Vì thế, năm 2015, Lê Tuấn Lộc tiếp tục hành trình mà ông đã ấp ủ.
Tác phẩm “Cảm ơn Người, sông Mekong” được trưng bày tại Thư viện Quốc gia chào mừng ngày “Sách và văn hóa đọc 2023. (Ảnh:Quỳnh Như)
Để hoàn thành tác phẩm dày hơn 600 trang, khổ rộng 16x24cm, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã đóng cửa phòng văn, hì hục viết suốt 7 năm trời, đã thay cho việc đi tìm hiểu, khám phá từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Mekong bằng việc đọc sách, xem phim, xem ảnh, đi đến nhiều nơi ở hạ nguồn sông Mekong để tận mặt, tận tai và tận nghĩ về một vùng đất kỳ thú này.
“Cuốn sách đã cho tôi một ý tưởng phải viết một bản trường ca hay một cái gì về sông Mekong nhưng viết thế nào thì tôi chưa thể hình dung ra. 7 năm trời qua, ngoái lại, tôi không hiểu tại sao tôi làm được thế. Một bản trưởng ca đã được ra đời mà ban đầu, tôi không biết rồi sẽ bắt đầu bằng gì, kết thúc ra sao”, nhà thơ chia sẻ.
Hồn cốt của bản trường ca này là câu chuyện tình yêu giữa Măng Trúc và Kiều Mai, là những bài thơ tình họ làm tặng nhau trong suốt dọc hành trình trải dài từ Tây Tạng (Trung Quốc), thượng nguồn sông Mekong, qua đất Lào, Campuchia xuống tận Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Tại những địa danh, những vùng đất, nơi khởi nguồn MeKong và nơi con sông này chảy qua, họ thăm thú danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thăm viếng chùa chiền, đền đài, các công trình thế kỷ, họ làm du lịch, họ làm thơ, và họ yêu nhau. Tiếc rằng, cuộc tình của họ đã kết cục như một tấn bi kịch.
“Câu chuyện tôi đưa vào trường ca này là có thật, những mối tình, những nỗi đau thất tình, những mẫu nhân vật là có thật” - ông bộc bạch.
Với âm hưởng sử thi vang vọng cùng sự miêu tả không gian, thời gian rộng dài, nhiều sự kiện,... trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã hoàn thành tốt chức năng thơ hóa những hành trình, những điểm đến với các huyền thoại, các phong tục, tập quán và cả lịch sử. Nó như một cuốn “hướng dẫn”, một “cẩm nang” theo cách của nghệ thuật trường ca để độc giả được hiểu thêm, biết rõ hơn nơi sẽ đến, nơi cần biết. Đồng thời, nó đáp ứng cả những vấn đề mang tính thời đại như kêu gọi sự quan tâm về sinh thái môi trường, về vấn đề tâm linh, tôn giáo…
Mặt khác, sự tìm tòi đáng quý ở trường ca này là ở việc tác giả rất có chủ ý “liên văn hóa” thời hiện tại với tục ngữ, ca dao, truyện cổ mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, vừa nới rộng miền không gian văn hóa, vừa để bạn đọc biết thêm, hiểu sâu hơn về một phong tục, tín ngưỡng riêng.
Viết bản trường ca này, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã cho người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc về cuộc tình nhiều lãng mạn, lắm phiêu lưu và cực kỳ éo le của đôi bạn Trúc Mai. Cái chết bi đát của Mai trên dòng sông Hậu để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm và trăn trở về việc khai thác một cách hợp lý, lành mạnh và cùng có lợi nguồn nước quý giá của con sông xuyên qua năm quốc gia này.
Cái chết oan uổng của nhân vật Trúc Mai ẩn chứa thông điệp mà nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã gửi gắm vào tác phẩm. “Xin đừng biến thủy điện thành thủy tai, thành thủy họa, kể cả thành thủ phạm, như trường hợp cái chết tang thương của Mai trong tác phẩm. Cái chết của cô gái trẻ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề môi trường sông MeKong”, ông nói.
Đọc bản trường ca giàu tâm huyết và lắm công phu này, ta như được thụ hưởng một chuyến du lịch kỳ thú qua các vùng đất, các quốc gia mà sông MeKong chảy qua: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là một nhân tố cấu thành giá trị của trường ca “Cảm ơn người, sông MeKong” mà nhà thơ Lê Tuấn Lộc mang đến cho người đọc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận