Trả giá vì chủ quan
Khi được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, bé H.G.M (10 tháng tuổi, trú tại Nghệ An) đã quấy khóc suốt 2 ngày do vùng bẹn sưng đau. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bìu phải của M không có tinh hoàn, khối phía trên bẹn sưng đỏ, ấn vào rất đau.
Các bác sĩ phẫu thuật một ca xoắn tinh hoàn do tinh hoàn ẩn.
Kết quả siêu âm không thấy tín hiệu mạch của tinh hoàn bên phải, nên M nhanh chóng chuyển mổ cấp cứu với chẩn đoán xoắn tinh hoàn. Đáng tiếc, tinh hoàn phải bị hoại tử tím đen nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ.
Theo chia sẻ từ gia đình, khi M mới sinh ở bệnh viện tỉnh, cháu đã được chẩn đoán ẩn tinh hoàn. Tuy nhiên, một phần vì chủ quan nghĩ “tinh hoàn đi lạc, khi lớn sẽ lại về” và một phần khi M được vài tháng bố mẹ cùng đi làm ăn xa nên gia đình quên luôn trẻ có dị tật này.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các trường hợp như M không phải hiếm. Có thời điểm tại đây liên tục tiếp nhận các ca xoắn tinh hoàn, trong đó nhiều ca biến chứng hoại tử.
Như trường hợp em T.V.T (14 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa tới khám đau vùng bẹn bìu. Chia sẻ với bác sĩ, T cho hay cơn đau xuất hiện đột ngột từ hơn 1 ngày trước.
Tuy nhiên vì đau ở vùng nhạy cảm nên em ngại không thông báo cho gia đình, chỉ khi quá đau và kéo dài em mới nói với mẹ. Sau khám với chẩn đoán xoắn tinh hoàn và chỉ định phẫu thuật cấp cứu nhưng đáng tiếc, tinh hoàn một bên đã tím đen không có khả năng bảo tồn.
May mắn hơn, là trường hợp của Đ.P.H (21 tuổi, ở Bắc Ninh) chủ động đến khám do bạn gái phát hiện thấy khiếm khuyết tinh hoàn trái, lo lắng ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện H bị ẩn một bên tinh hoàn trái, nằm gọn nằm trong ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp mổ hạ tinh hoàn xuống bìu để tránh những nguy cơ biến chứng sau này. Chỉ sau 1 ngày mổ nội soi hạ tinh hoàn xuống bìu, sức khỏe T đã ổn định.
Còn tại BV Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã từng tiếp nhận bệnh nam 36 tuổi, bị ung thư hóa tinh hoàn và đã di căn nhiều vị trí ở vùng chậu và ổ bụng.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân này cho hay, khi trưởng thành, anh biết mình bị ẩn tinh hoàn trái, nhưng tâm lý ngại và một phần chủ quan vì sức khỏe tốt nên chưa đi khám và điều trị gì. Anh đã lập gia đình và có con.
Tuy nhiên, trước nhập viện 2 tuần, nam bệnh nhân thấy đau tức, nổi khối cứng vùng bẹn trái, khối tăng dần kích thước, nên đến khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội.
Kết quả, xét nghiệm, hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy, vị trí khối sưng vùng bẹn trái chính là tinh hoàn ung thư hoá, đã di căn tới nhiều vị trí vùng chậu và ổ bụng.
Cần can thiệp sớm
PGS. TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Ẩn tinh hoàn là một bệnh lý bẩm sinh, do tinh hoàn không di chuyển xuống vị trí bình thường tại bìu, mà nằm bất thường ở nhiều vị trí khác.
Ẩn tinh hoàn là bệnh lý phổ biến ở trẻ trai với tỷ lệ 3-5% với trẻ đủ tháng, 30-45% ở trẻ sinh non. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh lý ẩn tinh hoàn như: Rối loạn nội tiết tố, bất thường di truyền, bất thường cấu trúc giải phẫu, sinh non, thiếu cân…
Tinh hoàn ẩn nếu không được can thiệp phẫu thuật hạ xuống bìu sớm có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, ảnh hưởng tới tâm lý mặc cảm, tự ti và đặc biệt nguy hiểm khi tinh hoàn ẩn có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao gấp 10 lần người bình thường”.
Theo BS. Nguyễn Quang, hệ lụy xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 - 21.
Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động xoay quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn.
Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm và đạt hiệu quả trong thời gian vàng 6 giờ từ khi khởi phát cơn đau. Trên thực tế, bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.
Để tránh hệ lụy đáng tiếc từ bệnh lý bẩm sinh tinh hoàn ẩn, PGS. TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Việt Đức cho hay: “Ngay khi mới phát hiện tinh hoàn ẩn, trẻ cần được bác sĩ theo dõi. Thông thường, sau 1 tháng tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bìu, trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, có những trẻ theo dõi đến tháng thứ 6, tinh hoàn vẫn chưa di chuyển từ bụng xuống bìu thì trẻ sẽ cần phải làm phẫu thuật để đưa chúng về đúng vị trí. Khi trẻ đủ 8 tháng tuổi đã có thể can thiệp, càng để lâu, nguy cơ ảnh hưởng chức năng của tinh hoàn càng cao”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận