Hạ tầng

Cận cảnh các bến thủy bất ngờ được đưa vào nhóm "có khả năng cấp phép"

image

Phần lớn các bến không phép vừa được Sở GTVT TP.HCM đưa vào diện "có khả năng cấp phép" đã tồn tại nhiều năm nay, không nằm trong quy hoạch.

Theo thống kê của sở GTVT TP.HCM, thành phố có khoảng 248 bến thủy nội địa được công bố hoạt động, quản lý. Vừa qua, Sở GTVT có văn bản trình UBND TP.HCM và báo cáo Bộ GTVT nhằm xem xét cấp phép cho các bến, bãi không thuộc diện quy hoạch được phép hoạt động tạm thời trong thời hạn 1 năm.

Trong số 17 bến Sở GTVT vừa có văn bản trình UBND TP.HCM, quá nửa các bến là không thuộc diện quy hoạch và thực tế đã hoạt động "ngoài vòng quản lý" nhiều năm.

Một số hình ảnh Báo Giao thông ghi nhận:

img

Bãi vật liệu xây dựng của ông Chung Văn Tùng nằm cách cầu Chợ Đệm (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) khoảng 100m về phía thượng lưu. Bãi có quy mô 1 cầu trục bánh xích, được Sở GTVT đề xuất đưa vào nhóm “có khả năng được cấp phép”.

img

Trên đoạn sông Chợ Đệm, gần bến của ông Chung Văn Tùng, còn 4 bến vật liệu xây dựng khác hoạt động rầm rộ với gần 10 cầu trục bánh xích và các loại xe cơ giới khác.

img

Theo danh sách quản lý bến thủy nội địa đã được cấp phép, đoạn sông Chợ Đệm thuộc địa phận huyện Bình Chánh có 6 bến có phép. Toàn huyện còn 3 bến không phép thuộc các tuyến sông Chợ Đệm và kênh Xáng.

img

Bến neo đậu, sửa chữa, đóng phương tiện Công ty CP BĐS Bình Thiên An, nằm cách cầu Bình Triệu thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức khoảng 150m. Đây là bến hoạt động với loại hình sửa chữa, đóng phương tiện, cũng thuộc danh sách "có khả năng được cấp phép".

img

Theo ghi nhận, các phương tiện trên bờ nằm liền kề khu dân cư, lối vào bến là các con đường đất tự phát. Bên trong bãi, có 2 phương tiện đang được kéo lên sửa chữa. Đáng chú ý, phần bờ của bến này bị xói mòn một mảng lớn trong quá trình kéo phương tiện lên xuống để tu sửa. Những phần mép bờ còn lại cũng có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

img

Theo danh sách bến thủy nội địa, toàn thành phố Thủ Đức có 55 bến, trong đó 10 bến không phép, chiếm 18%. Nổi cộm trong số này là các bến VLXD tại khu vực cầu Xây Dựng, cầu Bà Cua. Thậm chí ngay cả bến có phép cũng tồn tại nhiều vi phạm trên thực địa.

img

Bến vật liệu xây dựng của ông Đặng Thành Huấn nằm cách cầu Trao Trảo 700m về phía hạ lưu với quy mô 1 cẩu trục bánh xích. Bản đồ vệ tinh đã cập nhật sự hiện diện của bến không phép này trong suốt thời gian dài. Bến cũng từng nằm trong danh sách theo dõi xử phạt của Phòng CSGT đường thủy Công an TP.HCM. Bất ngờ, phòng đường thủy của Sở GTVT lại đề xuất đưa bến này vào diện “có khả năng được cấp phép”.

img

Ngay sát cầu Trao Trảo là một bến vật liệu xây dựng quy mô 2 cầu trục bánh xích, 2 máy đào bánh xích cùng với dãy nhà xưởng văn phòng. Đây là bến đã được cấp phép, phần kết cấu cảng bến được gia cố bằng cừ dừa và bao cát. Lạ lùng ở chỗ, phần đất lấn sông đã vượt qua cả điểm cắm biển báo phương tiện neo đậu hơn 2m. Hành vi này xảy ra trong suốt thời gian dài nhưng bến vẫn được hoạt động.

img

Đoạn đường Nguyễn Xiễn gần bến này dập nát, chằng chịt ổ gà vì xe quá tải chở vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát, đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.