8h ngày 27/4, UBND quận Tây Hồ (TP Hà Nội) tổ chức thực hiện cưỡng chế trục vớt, thanh thải tài sản bị chìm đắm (bến cập du thuyền) tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, hồ Tây (phường Nhật Tân) của Công ty Cổ phần Sông Potomac. |
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ sáng sớm, những phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc cưỡng chế, tháo dỡ như cần cẩu hạng nặng, máy móc cắt, thuyền kéo... đã được đơn vị tháo dỡ huy động về khu vực hồ Tây để sẵn sàng tháo dỡ bến du thuyền "ma". |
Vì bến cập du thuyền nằm phía ngoài du thuyền nên đơn vị tháo dỡ đã phải dùng thuyền kéo và cần cẩu đẩy du thuyền sang một bên để kéo bến cập du thuyền vào gần bờ, sau đó mới tiến hành tháo dỡ. |
Hiện nay bến cập du thuyền này đã bị nước tràn vào khoang, vì thế các công nhân đã phải tiến hành bơm nước từ bên trong ra ngoài để bến cập này nổi lên, từ đó di chuyển vào gần bờ dễ dàng hơn. |
Sau khi ổn định được vị trí của bến cập du thuyền, các công nhân đã tiến hành tháo dỡ từ phía trên trước rồi mới đến phía dưới. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, hôm nay phường Nhật Tân đã tổ chức tháo dỡ, di dời một chiếc bến cập du thuyền đã bị chìm theo các quyết định đã ban hành. |
"Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện tháo dỡ bắt đầu từ ngày hôm nay cho đến lúc nào xong thì dừng lại, kể cả vào những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện giải quyết dứt điểm đối với các bến cập du thuyền", ông Tuấn nói. |
Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cũng cho biết, bước đầu, cơ quan chức năng tập trung thực hiện quyết định áp dụng cách cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với bến cập du thuyền, phần sàn chìm của Công ty CP Sông Potomac, sau đó sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để di chuyển, di dời, tháo dỡ nốt các phương tiện còn lại của Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây. |
Theo ông Tuấn, trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì các chủ phương tiện không hợp tác với UBND phường trong việc di dời. |
"Ngoài ra, về mặt hồ sơ thiết kế và tải trọng, kích thước của du thuyền cũng rất lớn. Do vậy, UBND phường vẫn đang liên hệ với đăng kiểm xin toàn bộ thiết kế để lập phương án tháo dỡ một cách chi tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình tổ chức tháo dỡ, di dời ra khỏi hồ Tây", ông Tuấn nói. |
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh thì khẳng định, trong tháng 5 và tháng 6 tới, sẽ có kế hoạch di chuyển toàn bộ 3 tàu còn lại của Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây và Công ty CP Sông Potomac ra khỏi hồ Tây theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. |
Từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về 1 vị trí tập kết, xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này ra khỏi hồ Tây. |
Triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức di chuyển toàn bộ tàu, thuyền, phương tiện nổi của các doanh nghiệp về neo đậu tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân. Đồng thời, liên tục tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành di dời các phương tiện ra khỏi hồ Tây. Đến nay, đã có 143/147 phương tiện di dời ra khỏi hồ Tây. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận