Trung Quốc san lấp núi để xây dựng sân bay Vu Sơn nằm cách mực nước biển 1.800m |
Những sân bay “trên trời”
Điểm qua những cái tên sân bay được xây dựng trên địa hình núi cao, có thể kể đến sân bay Hechi Jinchengjiang của Trung Quốc. Sân bay này mới được đưa vào hoạt động từ năm 2014, nằm cách mực nước biển 670m.
Hay như sân bay Catalina, thuộc bang California, Mỹ, được mệnh danh là “sân bay trên trời” và chắc chắn không dành cho những người yếu tim vì nằm ngay vách đá dốc và cực cao, gần điểm cao nhất của hòn đảo Catalina, cách mặt nước biển 488m. Toàn bộ đường từ khu trung tâm đông dân của đảo tới sân bay này đều là dốc đứng dựng ngược.
Một sân bay khác tạo ra thách thức mà không phải phi công nào cũng dám đương đầu đó chính là Tenzing-Hillary (hay còn gọi là Lukla) tại Nepal, nằm ở độ cao 2,7km trên ngọn núi phủ tuyết trắng Himalaya.
Sân bay này là cửa ngõ tới núi Everest. Nơi đây được người dân địa phương sử dụng làm cơ sở giao thông để đi từ phía Đông sang phía Tây thị trấn.
Những cái tên trên chỉ là một trong số ít các sân bay, cảng hàng không được xây dựng trên địa hình đồi núi cao, hiểm trở, khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật cao và tiêu tốn chi phí lớn.
San bằng núi để xây sân bay
Sở dĩ, giới chức các nước vẫn thực hiện các dự án tưởng chừng như không thể này vì đã cân nhắc rất kỹ càng tính khả thi cũng như lợi ích mà sân bay đó mang lại như phục vụ kết nối dân sinh, phát triển kinh tế, mở cửa cho các hoạt động kinh tế, xã hội và du lịch cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tùy thuộc theo từng địa phương.
Chẳng hạn như với sân bay Hechi Jinchengjiang, nơi đây được xây dựng để phục vụ 4 triệu người dân tại Hà Trì thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trước đây, để đến được Hà Trì, người ta phải vất vả bay tới sân bay quốc tế Lưỡng Giang, Trùng Khánh rồi di chuyển tiếp bằng đường bộ hơn 200 km, nhưng nay quãng đường di chuyển đã vô cùng thuận lợi.
Để hoàn thành dự án, các kỹ sư đã phải dùng thuốc nổ thổi bay hơn 60 chóp núi, san lấp hơn 20 vách đá hoặc vực nhỏ để lấy không gian. Dù dự án đòi hỏi kỹ thuật cao, mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu tính khả thi, tiêu tốn số tiền hơn 140 triệu USD nhưng theo ông Wei Yuanzhe - đại diện công ty quản lý sân bay Trung Quốc, đây là cách duy nhất. “Chúng tôi từng xem xét nhiều địa điểm khác nhưng chốt lại, đây vẫn là nơi xây dựng dễ nhất”, ông Wei nói.
Hiện tại, Trung Quốc cũng đang xây dựng thêm một sân bay nữa ở trên núi tại Trùng Khánh mang tên Vu Sơn, dự kiến mở cửa vào năm 2019. Sân bay Vu Sơn nằm trên đỉnh núi Taohua, cách thị trấn Vu Sơn khoảng 15km.
Sân bay nội địa này sẽ có một đường băng dài 2.600m, rộng 45m và sở hữu một nhà chứa cho 5 máy bay. Tuy quy mô hạ tầng không lớn nhưng phi trường này tiêu tốn chi phí xây dựng lên tới 1,64 tỉ nhân dân tệ (tương đương 236 triệu USD) vì nó nằm trên đỉnh ngọn núi nằm cách mực nước biển 1.800m. Do địa hình đồi núi phức tạp nên công nhân phải sử dụng thuốc nổ san bằng ngọn núi để tạo không gian.
Ông Liao Haobo, Phó giám đốc Dự án sân bay Vu Sơn cho biết, vào những ngày bận rộn nhất, công trường xây dựng cần tới hơn 2.000 thợ xây và 800 máy móc làm việc cùng lúc. Tuy công trình đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhưng giới chức địa phương vẫn quyết thực hiện vì giúp giảm tải cho sân bay quốc tế Jiangbei ở Trùng Khánh vốn đang xử lý tới 39,66 triệu lượt hành khách tính riêng trong năm 2017.
Khi mở cửa, Vu Sơn sẽ cung cấp các chuyến bay kết nối tới thủ đô Bắc Kinh cùng các thành phố lớn như: Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh... Ước lượng, sau 1 năm đi vào hoạt động, sân bay Vu Sơn có thể đón 280 nghìn hành khách, xử lý 1.200 tấn hàng cùng 3.333 hoạt động cất/hạ cánh/năm.
Ngoài ra, giới chức cũng hy vọng cơ sở hạ tầng này giúp thúc đẩy du lịch tại địa phương vì nó nằm ngay cạnh các điểm du lịch nổi tiếng như Thần Nữ Đỉnh và Đập Tam Hiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận