Đời sống

Cận cảnh nông dân miền Tây mưu sinh mùa nước nổi

Nước bắt đầu tràn bờ bao, những hộ dân mưu sinh mùa nước nổi đang tất bật đánh bắt thủy sản theo con nước về.

Những ngày giữa tháng 9, trên một số cánh đồng không canh tác lúa vụ 3 ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nước đã tràn đồng. Phương tiện đi lại trên đồng giờ chỉ là xuồng, ghe, tắc ráng (vỏ lãi)…

img

Ông Đỗ Văn Tây chèo xuồng đi thăm dớn.

Mùa nước nổi, cá linh, cua, ốc theo con nước về nhiều. Thu nhập của người dân cũng đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Từ khi con nước tràn bờ, ông Đỗ Văn Tây (Út Tây) SN 1960, ở thị trấn Sà Rài, huyện Tân Hồng dậy từ 3 giờ sáng để đổ 40 cái dớn.

img

Những sản vật đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi đã giúp nhiều ngư dân có thêm thu nhập.

Công việc đổ dớn của ông kết thúc vào khoảng 7 giờ sáng. Lúc đó, bạn hàng đang chờ để thu mua cá linh, cua, ốc… rau muống đồng hay bông điên điển.

img

Công việc của ông Tây bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 7 giờ sáng.

Giá bán cá linh giờ đây cũng phụ thuộc theo từng buổi chợ - hút hàng hay ế. Thường thì cá vừa đánh bắt xong được bán với giá 70.000 đồng/kg, còn cá đã làm sạch giá khoảng 80.000 đồng/kg.

Cua, ốc bươu hay những loại cá khác được bán cho bạn hàng mang về thành phố hay một số địa phương tiêu thụ với giá vài chục ngàn đồng/kg.

img

Có nhiều hôm cua đánh bắt được nhiều, giá bán chỉ 10.000 đồng/kg mà vẫn ít người mua.

Với 40 cái dớn đặt sau nhà, ông Út Tây mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng. Số tiền đó đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng ông.

Ông Út Tây chia sẻ, những người đánh bắt thủy sản như ông cảm thấy vui khi mùa nước nổi về. Bởi không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng mà còn mang theo nguồn lợi thủy sản để một bộ phận người dân sống dựa sinh kế theo mùa nước có thêm thu nhập.

img

Ông Đỗ Văn Tây đặt 40 cái dớn, công việc đổ dớn của ông kết thúc vào khoảng 7 giờ sáng.

Trước khi nước nổi về, nhiều người dân đã chuẩn bị ngư cụ trước vài tháng với hy vọng có thêm thu nhập cho gia đình từ nguồn đánh bắt sản vật thiên nhiên theo mùa nước.

img

Ông Nguyễn Thành Lê, ngụ ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Tôi làm nghề lợp cua như vậy thì 2 bữa đổ 1 bữa cũng được vài chục ký, kiếm 400.000-600.000 đồng/ngày. Mùa nước sống khỏe hơn mùa khô nhiều”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tây, những người theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi như ông giờ không nhiều như trước.

img

Cá đã theo con nước về nhiều hơn so với trước.

Bởi mấy năm trở lại đây nhiều người sắm ngư cụ “ngóng” nước về để tranh thủ đánh bắt thủy sản nhưng không như mong đợi nên phần lớn đã chuyển sang công việc khác để nuôi sống gia đình.

Vài chục năm sống dựa theo con nước nổi, ông Tây thấy rõ nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt, lượng tôm, cá cũng ít dần.

img

Mùa nước nổi về, người dân vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp có thêm thu nhập.

Nhưng nước về, tôm, cá nhiều, cũng đồng nghĩa với công việc mưu sinh mùa này đỡ vất vả. Số tiền kiếm được từ đặt dớn bắt cá mùa nước nổi phần nào tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình.

“Đặt được 40 cái dớn để sống hàng ngày, mình làm thuê làm mướn thêm nữa, ngày kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Mấy hôm rồi nhờ nước lên mình làm được, cá giờ có giá”, ông Tây chia sẻ.

img

Số tiền kiếm được từ đặt dớn bắt cá mùa nước nổi phần nào giúp ngư dân tạm đủ trang trải cuộc sống.

Ngược xuôi thu mua tôm cá mùa nước nổi, ông Trương Quang Tâm, ở thị trấn Sà Rài, huyện Tân Hồng chia sẻ, hồi đầu mùa giá cá linh bán có giá. Nhưng khi đó lại không có cá để bán vì nước chưa tràn đồng.

Giờ giá cá linh đã hạ xuống nhiều, cá chợ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Đối với cá kích cỡ nhỏ, vừa đánh bắt lên sẽ được thu mua từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, những loại cá để làm mắm từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.

img

Cua được bán với giá 10.000 đồng/kg.

“Nước năm nay cao hơn mấy năm trước, nhưng nguồn cá năm nay ít. Mọi năm thu mua hơn 1 tấn/ngày, mà năm nay cả ngày chỉ mua được khoảng 20 - 30 kg. Sáng nay cân được 19kg.

Năm nay người ta nghỉ đi Bình Dương làm nhiều rồi. 10 người đi hết 5 người. Mấy năm qua cá không có, người ta bỏ đi vì không đủ sống nên không thu mua được nhiều”, ông Tâm thông tin.

img

Anh Nguyễn Văn Thảo, nông dân ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ năm nào cũng vậy, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước tràn đồng là gia đình anh bắt tay vào chuẩn bị lại các ngư cụ, vá lưới dớn chuẩn bị cho mùa đánh bắt thủy sản.

Theo ông Hồ Văn Lý, Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, diện tích lúa toàn địa bàn huyện hơn 21.200ha. Trong đó vụ Thu Đông xuống giống hơn 8.500ha, diện tích còn lại sẽ xả lũ để lấy phù sa và tận dụng nguồn lợi thủy sản tự nhiên để người dân đánh bắt tăng thêm thu nhập khi mùa nước nổi về.

img

Sản vật mùa lũ...

“Lũ năm nay của Tân Hồng cao hơn so với cùng kỳ gần 1m. Nước lớn hơn trung bình nhiều năm…”, ông Lý chia sẻ.

Năm nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp xả lũ hơn 88.000ha. Những hộ dân không canh tác lúa vụ 3 sẽ thực hiện mô hình sinh kế mùa nước như: nuôi cá lóc trong ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh, nuôi cua, làm lúa kết hợp với nuôi, trữ cá tự nhiên và nhiều mô hình sinh kế được thực hiện.

img

Những cái dớn của nông dân miền Tây đặt trong mùa nước nổi.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Cần tận dụng lợi thế của mùa lũ để phát huy giá trị, cung cấp nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người nông dân.

Mấy năm gần đây, chúng tôi khuyến cáo người dân áp dụng các mô hình sinh kế trong mùa lũ. Chính cơn lũ này làm tăng lên hiệu quả của các mô hình”.

img

Sản vật mùa nước nổi luôn phong phú. Mỗi ngư dân một cách nhưng ai nấy đều vui mừng vì đánh bắt được nhiều tôm, cua, cá...

Theo dự báo từ ngành chức năng, nước lũ ở ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 và ở mức cao hơn năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.