Đề nghị nghiên cứu, tổ chức xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng
Ngày 18/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo tờ trình của Chính phủ, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, dự báo nguy cơ chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất quan điểm công nghiệp quốc phòng, an ninh phải hiện đại, lưỡng dụng, tự lực, tự cường, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Cần có cơ chế huy động nguồn lực của cả địa phương và xã hội; thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Ưu tiên phát triển công nghiệp cơ bản làm nền tảng cho phát triển công nghiệp quốc phòng; gắn kết công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh với công nghiệp quốc gia.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, tổ chức xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại.
Cần cơ chế đặc thù, đặc biệt
Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa về cơ chế đặc thù trong xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 cho rằng đây là đạo luật rất đặc thù, do đó các chính sách của luật cũng cần có tính đặc thù, đặc biệt.
Cùng ý kiến, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị cần rà lại từng nhiệm vụ, chính sách để quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục.
Vì đầu tư công và xây dựng có trình tự, thủ tục rất lâu, nếu quy định chung chung sẽ gặp khó khăn trong triển khai.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù liên quan đến đấu thầu, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh vì nếu quản lý theo Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư xây dựng thì sẽ rất chậm.
"Thực tế có dự án 3-4 năm chưa xong. Trong khi việc quốc phòng, an ninh là việc quân, cần phải ngay và luôn, kịp thời để đảm bảo sức chiến đấu của quân đội, nếu chúng ta đầu tư vài ba năm thì khi xong đã lạc hậu mất rồi", ông Công nói và đề nghị trong luật có cơ chế đặc thù riêng cho những trường hợp đặc biệt.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng trong hồ sơ luật, cần phải xác định rõ hơn nữa vị trí, nhiệm vụ đặc biệt của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp để tạo được đột phá, cho thấy rõ sự đặc thù, đặc biệt.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý đây là luật chuyên ngành, khó, có tính đặc thù cao vì vừa phải thể hiện được tính cấp bách và tính chiến lược lâu dài vừa phải bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, tồn tại nhằm tạo sự phát triển, đột phá.
Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá các đại biểu đã đưa ra các ý kiến rất đầy đủ, tâm huyết và đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ ý kiến nào và phải thể hiện rõ trọng tâm, trọng điểm trong báo cáo thẩm tra để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận