Đường bộ

Cần cơ chế đột phá phát triển giao thông vùng đất Chín Rồng

27/09/2023, 14:28

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, cần có những cơ chế đột phá, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.

Tháo gỡ điểm nghẽn 

Ngày 27/9, tại Bạc Liêu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Cần cơ chế đột phá phát triển giao thông vùng đất Chín Rồng - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, cũng như đóng góp vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, quy mô kinh tế nhỏ, chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.

"Vùng chưa có cảng biển nước sâu, khiến cho việc xuất khẩu yếu, lợi thế cạnh tranh rất khó khăn, thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của vùng bị hạn chế", Phó thủ tướng nêu rõ.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao...

Các bộ ngành có liên quan như Bộ GTVT, Bộ TN&MT hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương, các vấn đề để thực hiện các dự án giao thông liên vùng, vấn đề về nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án liên vùng.

5 giải pháp phát triển hạ tầng giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nêu năm giải pháp phát triển giao thông liên vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tham luận tại hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu ra 5 giải pháp.

Trong đó, các quy hoạch tỉnh cần đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT và quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng để huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, trong đó tập trung vào một số cơ chế như: Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng; tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án PPP; có cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga…

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không và cảng thủy nội địa, để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của nhân dân; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh công tác đền bù GPMB; các địa phương có nguồn vật liệu cần ưu tiên bố trí kịp thời, đầy đủ nguồn vật liệu cho các dự án hạ tầng quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nêu năm giải pháp phát triển giao thông liên vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được kỳ vọng tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.

Kỳ vọng bứt phá

Tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, tuyến cao tốc Bắc – Nam đang triển khai đã tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân trong vùng ĐBSCL, tạo động lực phát triển cho các địa phương.

"Để kết nối các địa phương trong vùng, việc làm đầu tiên phải hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhìn nhận, phát triển liên kết vùng, thu hút đầu tư phát triển logistics đóng vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, đặc biệt là phát triển các kho nông sản vùng.

Ông cho biết, Cần Thơ đang tập trung phối hợp với các tỉnh trong vùng và Trung ương đầu tư hoàn thiện, đồng bộ các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và các tuyến đường liên tỉnh, quy hoạch khu công nghiệp, khu logistics… 

Các dự án này mang tính liên kết vùng cao, khi hoàn thành chắc chắn sẽ giúp các địa phương có được sự bứt phá...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.