Vận tải

Cần "cú hích" để xe buýt phát triển

20/03/2014, 06:50

Nhiều người cho rằng, đây đã là thời điểm bão hòa của xe buýt nhưng phía các doanh nghiệp vẫn khẳng định nếu có cơ chế chính sách ổn định, doanh nghiệp sẽ vững tâm đầu tư ...

Nhiều người cho rằng, đây đã là thời điểm bão hòa của xe buýt nhưng phía các doanh nghiệp vẫn khẳng định nếu có cơ chế chính sách ổn định, doanh nghiệp sẽ vững tâm đầu tư, tăng năng lực vận chuyển cũng như mở rộng vùng phục vụ...

Xe buýt đang cần được tạo thêm cơ chế để nâng chất lượng phục vụ
Xe buýt đang cần được tạo thêm cơ chế để nâng chất lượng phục vụ


Đầu tư mới hàng trăm phương tiện mỗi năm

Ông Nguyễn Việt Triều - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị đang chiếm tới 90% thị phần xe buýt của thủ đô cho biết, từ sau việc đầu tư tạo "cú hích" ban đầu của TP năm 2001 - 2002, đến nay, mỗi năm Transerco đã đầu tư hàng trăm phương tiện mới thân thiện với môi trường từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng để đổi mới đoàn xe và tăng năng lực vận chuyển. Đoàn xe buýt của Transerco hiện đã đạt trên 1.000 đầu xe, phục vụ 52/65 tuyến xe buýt của TP với hơn 9.000 lượt xe/ngày, vận chuyển trên 1,1 triệu lượt hành khách/ngày.
 

VTHKCC bằng xe buýt ở Hà Nội hiện đang được khai thác bởi 5 đơn vị, trong đó Transerco là đơn vị chủ đạo với 80% số tuyến, 83,8% đoàn phương tiện, sản lượng hành khách năm 2013 đạt 413 triệu lượt HK, chiếm 90,1% tổng sản lượng HK đi lại bằng xe buýt của Hà Nội.

Cùng với đầu tư xe, Transerco cũng song song đầu tư công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý điều hành và cung cấp các tiện ích cho hành khách đi xe buýt, góp phần xây dựng hình ảnh xe buýt Thủ đô văn minh, hiện đại. Ứng dụng quản lý điều hành xe buýt qua GPS và qua bộ đàm, thử nghiệm camera trực tuyến giám sát hoạt động trong xe buýt, trang bị hệ thống thông tin tự động về hành trình xe buýt trên xe và tại một số nhà chờ, đưa trang web “tìm đường xe buýt” giai đoạn I vào phục vụ với nhiều tiện ích mới… Hầu hết các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đều được tin học hóa và đang được tiếp tục nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại.

“Ngoài 5 Depot (bến) xe buýt (Lạc Trung, Nam Thăng Long, Kim Ngưu II, Liên Ninh, Cầu Bươu), diện tích trên dưới 2ha/Depot đạt tiêu chuẩn hiện đại trong khu vực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian tới Tổng công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm 3 - 4 Depot xe buýt mới ở ngoại thành theo quy hoạch” - ông Triều cho biết thêm.
    
Cần “đòn bẩy” cơ chế

Phải nói rằng, dù được xác định là loại hình vận tải được ưu tiên phát triển, song vẫn còn quá nhiều rào cản để có thể nâng chất lượng dịch vụ xe buýt. Trên thực tế, hạ tầng giao thông Hà Nội nói chung và hạ tầng dành cho xe buýt chưa thực sự thuận lợi và còn nhiều bất cập. Điểm dừng dành cho xe buýt thường xuyên bị lấn chiếm gây khó khăn cho việc đón trả khách. Đó là chưa kể đến việc không ít điểm dừng xe buýt bố trí chưa hợp lý hoặc còn thiếu. Đầu bến (điểm đầu, điểm cuối) tại nhiều tuyến chưa được bố trí vị trí tập kết theo tiêu chuẩn, phải đỗ tạm tại lề đường.

Cùng với đó, ùn tắc giao thông cũng gây khó khăn không nhỏ trong công tác tổ chức điều hành hoạt động xe buýt cũng như việc đảm bảo thời gian chạy xe và thời gian chuyến đi của khách hàng. Dù còn nhiều khó khăn, phía các doanh nghiệp khẳng định họ sẵn sàng đầu tư mạnh cho xe buýt nếu có một chính sách ổn định, bền vững cho loại hình phương tiện này. Đại diện Transerco nhấn mạnh, trong năm 2014 sẽ tiếp tục đầu tư xe buýt mới tiêu chuẩn Euro III thân thiện với môi trường và trang bị cabin tách biệt cho lái xe nhằm tăng cường an ninh, an toàn xe buýt.

Tuy nhiên, Transerco cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ quản lý điều hành tiên tiến và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của doanh nghiệp xe buýt. Cùng đó, cần có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu CKD để lắp ráp xe buýt, đặc biệt là xe buýt sàn thấp khách dễ tiếp cận và loại xe thân thiện với môi trường.

Liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt, các doanh nghiệp cũng kiến nghị TP cần tổ chức thí điểm làn ưu tiên cho xe buýt bên phải đường và tách biệt với làn ô tô, xe máy, xe thô sơ (nếu chiều rộng đường cho phép), để khi vào đón trả khách không cắt dòng với các phương tiện này.

Nguyên Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.