Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện trọng đại, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất trông chờ, đặc biệt là những quyết sách sáng suốt, tạo tiền đề cho đất nước phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, cùng với các nội dung quan trọng khác, ông rất quan tâm và kỳ vọng Đại hội sẽ bầu ra được Ban chấp hành Trung ương khóa XIII gồm những người thực sự tiêu biểu.
Tố chất vượt trội, trí tuệ hơn người
Sự nghiệp đổi mới với những nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Theo ông, việc chọn được Ban chấp hành Trung ương khóa XIII gồm những người thực sự tiêu biểu về đức lẫn tài có ý nghĩa thế nào đối với công cuộc phát triển đất nước?
Về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt thì Đảng cũng đã có những quy định rất cụ thể. Công tác nhân sự của Đảng được coi là “then chốt của then chốt”, bởi điều này tác động đến 3 trụ cột quan trọng.
Quy hoạch cán bộ rất quan trọng, tuy nhiên đây cũng chỉ là một trong những kênh để lựa chọn, bởi chắc chắn ở bên ngoài vẫn có người tài năng ngang ngửa với những người được quy hoạch. Ở đây tôi muốn nói quy hoạch có ý nghĩa là dự nguồn thôi chứ tìm người tài thì không chỉ trong quy hoạch mà phải cả ngoài quy hoạch. Vấn đề là phải làm sao để nhận diện được người tài.
Ông Lê Thanh Vân
Nếu như có được đội ngũ cán bộ thực sự xuất sắc, thực sự là những tinh hoa, tiêu biểu về trí tuệ, thực sự vì nước vì dân (mà người xưa gọi là “nguyên khí quốc gia”) thì việc hoạch định chủ trương đường lối, chính sách pháp luật cũng như tổ chức triển khai thực hiện chắc chắn sẽ có những bước đột phá.
Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với các sai phạm cũng là một trong những nội dung quan trọng của lãnh đạo, điều hành và quản lý xã hội.
Điều đó đòi hỏi phải có những cán bộ lãnh đạo có tố chất vượt trội, trí tuệ hơn người, thể hiện qua tầm nhìn, tư duy và hành động thực tế. Và cần điều kiện để người xuất chúng phát huy năng lực.
Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có một số điểm rất mới, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Theo ông, quy định này có tác dụng thế nào?
Đây chính là điểm mới, đó là tính chịu trách nhiệm người giới thiệu nhân sự. Có nghĩa là việc đề cử, giới thiệu nhân sự phải đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn, không thể đề cử hay giới thiệu theo cảm tính, cảm hứng.
Đây cũng là cách để sàng lọc những người không đủ tiêu chuẩn và lựa chọn được người có đủ đức đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới.
Phải có ngoại lệ cho người tài
Đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường, sáng 28/1
Thời gian qua, cán bộ đảng viên và nhân dân rất quan tâm tới những trường hợp đặc biệt giới thiệu tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII. Theo ông, trường hợp đặc biệt cần thiết như thế nào trong tình hình hiện nay?
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt”.
Ở đây, chúng ta thấy những trường hợp đặc biệt có bộ tiêu chí lựa chọn khác với người thường. Tôi xin nhấn mạnh, tuổi tác của nhân tài trong lãnh đạo, quản lý không đồng nghĩa với tuổi công chức.
Tuổi cán bộ công chức là tuổi lao động của người rất bình thường. Còn với những người có tài năng xuất chúng thì phải có ngoại lệ, hay nói cách khác là người tài thì “không có tuổi”.
Nói như vậy để thấy rằng, không chỉ là các trường hợp đặc biệt, mà muốn chọn được những người tài nói chung thì ngoài các chế độ đãi ngộ ra, cần phải có những bộ tiêu chí riêng biệt để cho người tài có khả năng phát huy năng lực, phẩm chất của mình, từ đó giúp đất nước phát triển.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược? So với khóa trước, ông thấy công tác quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thế nào?
Quy hoạch cán bộ là việc lựa chọn trước một bước để có lực lượng dự bị giúp chủ động trong việc lựa chọn, bố trí nhân sự về sau. Ý nghĩa quan trọng nữa là giúp hình thành đội ngũ những con người cụ thể, tạo cơ hội cho họ tập rượt, thử thách để sẵn sàng đảm nhiệm công việc.
Nhìn lại công tác cán bộ nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rút được ra nhiều bài học giá trị cho việc nhìn nhận thực tiễn và xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định để nhằm chặt chẽ hơn. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành nhiều văn bản về công tác nhân sự để chuẩn bị một cách tốt nhất cho Đại hội XIII.
Công tác nhân sự được nhiều chuyên gia đánh giá là bảo đảm sự chặt chẽ và những hạn chế đã được khắc phục, kẽ hở trong công tác nhân sự đang được khép lại dần. Điều này đã giúp chất lượng cán bộ được nâng lên.
Trung ương đã rất nhiều lần nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt những người có một trong những hạn chế khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá; cơ hội chính trị; xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân, không trong sáng... Theo ông, để nhận diện những biểu hiện này có khó không?
Bác Hồ có 3 phương pháp để lựa chọn và phát hiện người hiền tài. Thứ nhất hỏi bạn bè xem người đó học có giỏi không? Thứ hai xem ứng xử người đó với bố mẹ có hiếu nghĩa không, đối với hàng xóm có kính trên nhường dưới không? Đây là bài kiểm tra về đạo đức. Thứ 3 là giao việc có đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ không?
Áp dụng điều này vào việc phát hiện những người không gương mẫu, có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng thì ta chỉ cần áp dụng những tiêu chuẩn mà Bác Hồ đã đặt ra như đã nêu ở trên.
Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần phải lượng hóa được những biểu hiện của suy thoái đạo đức, tham nhũng. Lượng hóa được sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhìn nhận và phát hiện được.
Ngoài những quy định hiện nay, cần có thêm cơ chế gì để có thể thực sự chọn được người tài?
Thi tuyển là hình thức đánh giá khách quan và chuẩn xác nhất năng lực của một người nào đó. Chính vì thế, trước khi quy hoạch vào vị trí nào đó thì nên tổ chức kỳ thi để tuyển chọn. Đây là bước đầu tiên để tuyển chọn ra nhân tài, rồi từ đó chúng ta mới cử đi đào tạo, thử thách.
Theo ông thì trong công tác cán bộ của Đảng, có nên đề ra cơ chế cạnh tranh?
Điều này hoàn toàn có thể xem xét vì có cạnh tranh thì việc chọn người tài mới diễn ra thực chất nhất và có hiệu quả. Tuy nhiên, tạo cơ chế cạnh tranh như thế nào cho phù hợp với tình hình hiện tại là câu chuyện đáng bàn.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì khi đưa một số lượng cán bộ vào quy hoạch cho một vị trí nào đó, việc để cho những người này thi thố tài năng cũng là điều nên làm.
Từng cán bộ này phải đưa ra đường lối chương trình hành động của mình, nếu trúng cử vào vị trí đó thì sẽ làm gì, làm như thế nào? Ai thuyết phục được, sát với thực tiễn thì người đó sẽ được lựa chọn. Nếu người được lựa chọn mà không thực hiện như những gì mình cam kết thì sẽ có những chế tài.
Tuy nhiên, không phải vị trí lãnh đạo nào cũng có thể tổ chức thi tuyển?
Đúng vậy, cái này chúng ta nên phân biệt rõ. Cán bộ làm chính trị thì không cần thi tuyển nhưng cán bộ làm quản lý, điều hành, chỉ huy thì nên bắt buộc thi tuyển.
Bởi, cán bộ chính trị làm công tác Đảng, hay các vị đại biểu dân cử thì con đường hình thành nên sự nghiệp của họ chủ yếu qua tranh cử và bầu cử. Họ phải có cương lĩnh, chương trình hành động, trong đó phải đề xuất được chính sách thuyết phục thì mọi người mới bầu cho họ.
Muốn vậy thì chính sách mà người ứng cử đề xuất phải thể hiện được tầm nhìn của người đó đối với sự phát triển của đất nước, cơ quan, đơn vị, địa phương. Và đương nhiên, con đường bầu cử phải có cạnh tranh. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 cũng đề cập đến vấn đề này. Tức là, khi giới thiệu bầu cử phải giới thiệu ít nhất 2 người. Đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với phương pháp lựa chọn cán bộ.
Đối với các chức vụ quản lý, điều hành chỉ huy thì phải qua thi tuyển. Vì sao vậy? Vì họ phải khởi xướng chính sách, phải đề xuất được đường đi, nước bước cho tập thể, cơ quan, đơn vị và cao hơn cả là đất nước.
Như vậy, rõ ràng 2 nhóm đối tượng này đòi hỏi năng lực, trí tuệ khác nhau. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa 2 nhóm cán bộ này.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận