Chuyện dọc đường

Cân đối “lượng - chất” tín dụng

24/10/2017, 08:26

Từ nay đến cuối năm, các NH phải bơm ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng mới đủ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng...

14

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải bơm ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng mới đủ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm - Ảnh: Tạ Tôn

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21% theo “đơn đặt hàng” của Chính phủ đang đặt lên vai ngành ngân hàng không ít thách thức, trong đó vấn đề quan trọng nhất là cân đối được “lượng” và “chất” của tín dụng. 

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm được các tổ chức tín dụng lần lượt công bố, cho thấy kinh doanh ngân hàng tiếp tục khởi sắc, trong đó hoạt động cho vay vẫn là “trụ cột” mang lại lợi nhuận. Kết quả này chắc chắn sẽ còn đậm nét hơn vào cuối năm, bởi các ngân hàng đều đang vào cuộc đua nước rút nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Theo đó, 3 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng phải đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng gần bằng tốc độ đạt được trong 9 tháng đầu năm, với tổng lượng vốn bơm ra xấp xỉ 600.000 tỷ đồng. Và đây là một cơ hội lớn giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh.

Song, cũng xoay quanh mục tiêu này, có 3 vấn đề đặt ra: Thứ nhất, các ngân hàng lấy tiền đâu để cho vay? Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 9 tháng đầu năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng vốn huy động đạt 10,08%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng trưởng cho vay là 11,02%. Để có thể hút tiền gửi, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng huy động, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất tiết kiệm (trực tiếp hoặc thông qua các hình thức tặng quà, khuyến mại…). Thị trường ngân hàng đã và đang đi theo diễn biến này. Và điều này sẽ dẫn đến vấn đề thứ hai: Chủ trương hạ, giữ ổn định lãi suất cho vay (Chính phủ chỉ đạo nỗ lực giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay) khó thực hiện. Trong trường hợp các ngân hàng buộc phải giữ ổn định lãi suất (kể cả huy động hay cho vay) theo chỉ đạo, thì sẽ có một độ vênh giữa lãi suất trên giấy tờ với lãi suất thực tế, làm méo mó thị trường.

Vấn đề thứ ba, đó là chất lượng tín dụng. Trong điều kiện bình thường, lãnh đạo các ngân hàng nhiều lần thổ lộ vẫn phải “đốt đuốc” đi tìm khách hàng, bởi phần không nhỏ các trường hợp cần vay tiền lại không đủ điều kiện (về tài sản thế chấp, tính khả thi về phương án kinh doanh…). Song, sức ép giải ngân một lượng vốn lớn trong một thời gian ngắn, sẽ dẫn đến nguy cơ, ngân hàng dễ dãi hơn lựa chọn khách hàng, dự án cho vay vốn. Trong trường hợp đó, nguy cơ nợ xấu gia tăng, trong khi đống nợ xấu cũ vẫn loay hoay xử lý suốt thời gian qua mà chưa có bước tiến đáng kể. Chưa nói, một lượng tiền lớn được bơm ra dồn dập trong thời gian ngắn cũng gây áp lực lên lạm phát.

Do đó, NHNN và các tổ chức tín dụng phải xem xét thận trọng, sao cho cân đối các mục tiêu, như vốn cho tăng trưởng với kiểm soát lạm phát; giữa lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra. Đặc biệt là cân đối giữa chất và lượng tín dụng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.