Vừa qua Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cũng như một số bộ, ngành đã tổ chức các buổi tọa đàm về vấn đề triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, cũng như góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.
Thông qua các buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn gặp phải trong thực tiễn đầu tư, vận hành các dự án PPP và đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ. Một trong những điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là việc chia sẻ rủi ro với các dự án đã triển khai.
Luật PPP quy định, khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan Nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: Thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.
Đây là chính sách đổi mới, thể hiện sự công bằng trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các dự án PPP, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế nhằm đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội thông qua việc phát triển của thị trường vốn, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa làm rõ phạm vi cơ chế, cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, kể cả các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai khi Luật PPP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư là huy động vốn tín dụng cho các dự án này. Nguyên nhân là do các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.
Thực tế, trong hơn hai năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT làm cho các ngân hàng lo lắng. Đặc biệt, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Tôi cho rằng, chỉ khi nào, cơ chế của phương thức đối tác công tư là các bên cùng có lợi, cùng phát triển, tạo dựng được niềm tin, thì mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng làm PPP.
Đây cũng là điều mà cộng đồng các nhà đầu tư rất mong đợi khi những điều khoản trong Luật PPP, vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới, sẽ được quy định rất chi tiết, cụ thể tại các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận