Y tế

Cần thành lập trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng khu vực

20/03/2019, 07:04

​​​​​​​Tính tới nay, Việt Nam đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim...

img
Một ca ghép tạng tại BV Việt Đức

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như chưa thực hiện được ghép tụy, ghép tử cung, ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp…

Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô tạng Quốc gia, Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật ghép tạng và đây là “thời điểm vàng” cho ghép tạng khi số người đăng ký hiến tạng tăng lên hơn 21 nghìn người (tăng hàng trăm lần so với 5 năm trước) và đã có 230 người chết não hiến tạng. Nếu có được danh sách chờ ghép quốc gia với các thông số được xây dựng chi tiết sẽ có giá trị lớn trong việc điều phối tạng, giúp kéo dài cuộc sống cho nhiều người bệnh.

Mặc dù Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít. Trong khi đó, việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu. “Chúng ta cần hiện đại hóa công tác điều phối ghép tạng, tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực, để hoạt động này hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định.

Liên quan hoạt động hiến, ghép mô tạng, Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô tạng Quốc gia cho biết, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã có nhiều điểm không còn thích hợp. Vì thế, việc sửa đổi về luật có giá trị mở rộng sự thuận tiện và cơ hội cho mọi người. Điển hình như việc quy định hình thức đăng ký hiến tạng phải đến trực tiếp trung tâm gây khó cho người tiếp cận, hay như việc chưa có chế độ hỗ trợ hợp lý đối với người hiến sống, người hiến sau khi chết não; hình thức tôn vinh người hiến; cũng như chưa có quy định về giá ghép tạng được BHYT thanh toán...

Ông Phúc đề xuất, trong lần sửa đổi luật sắp tới cần phải mở rộng hình thức đăng ký hiến tạng bằng cách đăng ký qua mạng, bổ sung có chế độ cho người hiến tạng sống như: Thanh toán toàn bộ chi phí khám, sàng lọc tư vấn, xét nghiệm, kể cả khi họ không thích hợp để hiến tạng, cấp thẻ bảo hiểm y tế suốt đời và được ưu tiên khám sức khỏe tại cơ sở y tế; được thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng và chăm sóc phục hồi sức khoẻ ngay sau khi hiến. Hay chế độ cho người chết não như miễn toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cấp cứu tại nơi chẩn đoán chết não… Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng hơn trong việc xây dựng cơ cấu giá ghép tạng để làm cơ sở cho BHYT thanh toán. Nên chăng đề xuất mức hỗ trợ 50% từ BHYT với các ca ghép mô tạng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.