Xã hội

Cần thay "cái áo cơ chế" để phát triển đất nước nhanh và bền vững

31/05/2024, 18:47

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trước sự phát triển của nền kinh tế nước ta có độ mở rộng, "cái áo cơ chế" đang bị "chật" so với "cơ thể cường tráng" của đất nước, nên cần có "cái áo mới".

Quy định rõ ràng, để khi triển khai không vướng mắc

Chiều nay (31/5), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bàn về chính sách cho phép xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH), Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị được thực hiện việc này trên địa bàn toàn tỉnh.

Cần thay "cái áo cơ chế" để phát triển đất nước nhanh và bền vững- Ảnh 1.

Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý.

"Chúng tôi đề nghị là áp dụng chính sách cho toàn tỉnh Nghệ An nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đề nghị trên địa bàn miền tây. Đúng ra cho cả địa bàn Nghệ An thì phù hợp hơn, chúng tôi thảo luận ở tổ hôm nay thì tiếp tục đề xuất ý kiến đó", ông Quý nói.

Ông Quý cũng cho rằng, nội dung trong Nghị quyết cần quy định rõ ràng, để khi triển khai không vướng mắc.

Về chính sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền tây Nghệ An, ông Thái Thanh Quý cũng đề nghị được triển khai trên toàn tỉnh.

Về chính sách tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng KTXH trên địa bàn miền tây Nghệ An, ông Quý cho rằng, cần phải nâng lên 80%.

"Giai đoạn này phân bổ hết rồi, như vậy Nghị quyết có hiệu lực thì không được thụ hưởng ngay. Chỉ còn 4 năm 2026-2030, chính vì thế chúng tôi đề nghị được nâng lên 80%", ông Quý nói.

Ông Thái Thanh Quý cho biết, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và một số lĩnh vực của cả nước.

"Các giải pháp của Nghị quyết 39 nội dung tập trung đầu tư nguồn lực, có chính sách vượt trội để cụ thể hóa nghị quyết này", ông Quý nói.

Cần thay "cái áo cơ chế" để phát triển đất nước nhanh và bền vững- Ảnh 2.

Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang).

Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thuộc lĩnh vực giao thông là cần thiết

Tham gia thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, nhiều năm qua, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB là nguyên nhân khiến nhiều dự án, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, chậm tiến độ, gây ra nhiều hệ lụy như bị đội vốn; các công trình giao thông dang dở trở thành lô cốt, nút thắt gây mất vệ sinh môi trường và bức xúc trong dư luận nhân dân.

Các nhà đầu tư, nhà thầu kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án. Nhiều dự án chưa GPMB đã khởi công sau đó lại không triển khai được vì không giải phóng được mặt bằng. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi nên đến khi các dự án được khởi động lại thì đã đội vốn hoặc phát sinh các vấn đề liên quan khác.

Từ những phân tích trên, đại biểu Âu Thị Mai đồng tình với việc giao cho tỉnh Nghệ An được thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, nhiều địa phương khi thực hiện các dự án đầu tư công cũng đều vướng mắc ở khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB, và tại các kỳ họp đã kiến nghị với Quốc hội xem xét vấn đề này.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội luật hóa nội dung tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư công để chính sách này được áp dụng rộng rãi cho các địa phương, trở thành động lực mới trong đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông và các dự án trọng điểm quốc gia.

Cần thay "cái áo cơ chế" để phát triển đất nước nhanh và bền vững- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Đặc thù phải bảo đảm 3 yếu tố

Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trước sự phát triển của nền kinh tế nước ta có độ mở rộng, "cái áo cơ chế" đang bị "chật" so với "cơ thể cường tráng" của đất nước, nên cần có "cái áo" khác để tập trung phát huy nguồn lực, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Quốc hội, các địa phương bắt đầu bàn nhiều đến vấn đề thí điểm, đặc thù, vượt trội; đầu tiên là các địa phương có thế mạnh, đóng góp nguồn thu cho đất nước, các "ông lớn", "đầu tàu" trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh...

"Nhiều lần, khi Chính phủ trình sang thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đặt ra câu hỏi: "Đã đặc thù hay chưa?", tức là khác gì so với địa phương khác, phát huy thế mạnh của địa phương ấy, mới là đặc thù. Thứ hai là vượt trội hay chưa?", ông Phương cho hay.

Theo đó, đặc thù phải bảo đảm 3 yếu tố: chưa có quy định trong luật; phát triển cao hơn các nghị định, thông tư của Chính phủ; đang khác với luật hiện này. 

Vượt trội là phải như thế, phải phân biệt được đặc thù - cái riêng trong cái chung, ông này có thế mạnh gì để thiết kế chính sách cho họ, vượt trội phải bảo đảm như thế nào?

Theo đó, thiết kế nghị quyết làm sao có tính khả thi mà không phá vỡ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đặc biệt liên quan nhiều đến cơ chế phân cấp, phân quyền và thủ tục hành chính.

"Cho anh chính sách mới để phát triển kèm theo phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính thì mới khả thi, đi vào cuộc sống được", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.