Cục Hàng hải VN vừa trình Bộ GTVT Đề án "Nghiên cứu nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng bến cảng hiện hữu".
Để thực hiện đề án, Cục Hàng hải cho biết, đã tham khảo kinh nghiệm khai thác, tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn giảm tải vào bến cảng tại một số quốc gia trên thế giới, để có thể đưa ra những phương án phù hợp với thực trạng tình hình của Việt Nam.
Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều có những phương án khai thác, tiếp nhận tàu có trọng tải lớn giảm tải ra vào bến cảng. Trong đó tại Mỹ, việc giảm tải để vào cảng được thực hiện thường xuyên nhất trong quá trình chuyển tải dầu thô. Theo đó, các tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC) hoặc tàu chở dầu cực lớn (ULCC) có thể giảm tải ở ngoài khơi trước khi vào cảng.
Trọng lượng hàng hóa cần giảm tải thường phụ thuộc vào điều kiện mớn nước và thủy triều tại từng khu vực bến cảng.
Ngoài ra, Mỹ cũng cho phép tàu biển có trọng tải toàn phần/dung tích toàn phần lớn hơn giới hạn thiết kế của bến cảng được phép vào cảng trong trường hợp có sự chấp thuận của hoa tiêu, cảnh sát biển, chính quyền cảng và doanh nghiệp cảng.
Quốc gia này cũng cho phép bến cảng, cầu cảng được nâng cấp để tiếp nhận tàu có cỡ trọng tải lớn hơn thiết kế ban đầu. Các bến cảng, cầu cảng trên khắp toàn quốc gia Hoa Kỳ đang được nâng cấp để tiếp nhận các tàu lớn hơn.
Mỹ cũng có Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cảng (PIDP) được tài trợ nhằm tận dụng kết cấu của các bến cảng đã xây dựng từ lâu nhằm tiếp nhận các cỡ tàu trọng tải lớn hiện nay và trong tương lai. Kinh phí dành cho PIDP được cấp cho dự án trên cơ sở đánh giá các yếu tố về tính an toàn, hiệu quả hoặc độ tin cậy của việc vận chuyển hàng hóa vào, ra, xung quanh hoặc trong cảng.
Tại Trung Quốc, theo quy định về "Khả năng tiếp nhận tàu của các bến cảng ven biển" do Cục vận tải Đường thủy thuộc Bộ GTVT Trung Quốc ban hành, một bến cảng chỉ có thể xin cấp phép tiếp nhận tàu lớn hơn kích cỡ trong chứng nhận ban đầu của mình trong điều kiện tàu giảm tải, sau khi được phê duyệt về đánh giá an toàn (do Cục an toàn hàng hải tổ chức đánh giá).
Nếu cùng một loại tàu cập cảng thường xuyên, một lần đánh giá có thể áp dụng cho nhiều chuyến tàu trong một khoảng thời gian (yêu cầu này không hoàn toàn giống nhau giữa các chi nhánh Cục an toàn hàng hải khác nhau).
Bến cảng có thể xin cấp phép tiếp nhận tàu có trọng tải cao hơn một cấp so với cỡ trọng tải trong chứng nhận ban đầu.
Trong các trường hợp đặc biệt, khi cỡ tàu trong chứng nhận ban đầu không vượt quá cấp 150.000 DWT (125.000-175.000 DWT) và việc gia cố hoặc tái xây dựng được phê duyệt để đáp ứng tiếp nhận tàu kích cỡ cao hơn 2 cấp, thì bến cảng có thể xin chủ trương tiếp nhận tàu cỡ trọng tải lớn hơn 2 cấp trong điều kiện giảm tải.
Thái Lan cũng có phương án khai thác, tiếp nhận tàu trọng tải lớn giảm tải ra vào bến cảng riêng.
Theo đó, tàu thuyền được phép giảm tải để cập cảng. Tuy nhiên, điều kiện xếp dỡ phải tuân thủ theo quy tắc do Văn phòng hoa tiêu Laem Chabang, Cục Hàng hải công bố. Việc cấp phép sẽ được phê duyệt cho từng trường hợp, tùy thuộc vào thời tiết, mớn nước của tàu, thủy triều, thiết kế và tình trạng của tàu.
Về nguyên tắc, Thái Lan cho phép bến cảng được nâng cấp, nhưng cho đến nay chưa có bến cảng nào yêu cầu đề nghị nâng cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận