Nơi khai sinh ra đô thị Hải Phòng
Với người dân Hải Phòng, cảng Hoàng Diệu được mặc nhiên coi là cảng Hải Phòng dù nhiều năm qua Công ty CP Cảng Hải Phòng mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều khu vực khác như Đình Vũ, Lạch Huyện… Dù mang tên gì thì cảng Hải Phòng luôn giữ một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức mỗi người dân đất Cảng.
Như đã thành một thói quen suốt nhiều năm qua, tuyến đường Lê Thánh Tông khu vực gần cổng cảng Hoàng Diệu ở Hải Phòng luôn đông đúc những người cao tuổi.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Hải Phòng cho biết, theo chủ trương của TP Hải Phòng thì ngoài một số công trình kiến trúc đặc biệt có giá trị lịch sử được giữ lại thì toàn bộ công trình xây dựng khác từ khu vực chân cầu Hoàng Văn Thụ về tới chân cầu Nguyễn Trãi mới sẽ được thành phố dỡ bỏ, sau đó cải tạo thành công viên.
Những công trình đang được Hải Phòng xem xét giữ lại, bảo tồn gồm: các tòa nhà thuộc trụ sở UBND và HĐND thành phố hơn 100 năm tuổi; Trung tâm Hội nghị thành phố và một góc bến cảng Hoàng Diệu.
"Theo quan điểm của chúng tôi, giữ lại một góc bến cảng Hoàng Diệu, khu vực có tượng đài công nhân cảng là cần thiết để góp phần giáo dục truyền thống. Các thế hệ mai sau khi tới đây sẽ hiểu thêm về nơi khởi nguồn của đô thị Hải Phòng ngày nay, nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của TP Hải Phòng và của đất nước", bà Mai cho hay.
Mỗi khi có việc đi qua hay đi thể dục về, họ thường ghé lại các quán nước gần đó, mắt hướng về khu cảng đang tấp nập người xe. Họ vốn là cán bộ, công nhân gắn bó qua vài thế hệ với khu cảng này.
Những ngày cuối năm 2023, trong câu chuyện của những cụ già ấy luôn là hoài niệm bởi chẳng bao lâu nữa 9 bến cảng trong cụm cảng Hoàng Diệu sẽ được di dời, nhường chỗ cho những cây cầu, công viên.
Chỉ vào khu cảng nơi những chiếc cần cẩu đang vươn cần bốc dỡ những chuyến hàng, ông Nguyễn Văn Ty, 80 tuổi ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền chia sẻ: "Khu cảng này gắn với cả tuổi thơ của tôi bởi từ đời ông nội tôi đã là "phu khuân vác" ở cảng, rồi tới bố tôi là công nhân của cảng".
Tiếp nối truyền thống của gia đình, từ khi 20 tuổi, ông được tuyển vào làm công nhân lái cẩu tới khi về hưu. Giờ đây con trai ông cũng đang là công nhân cảng Hải Phòng. "Với chúng tôi, cảng Hoàng Diệu không chỉ là nơi làm việc, đó còn là gia đình lớn bởi mấy thế hệ gia đình đều gắn với khu cảng này", ông nói.
Gia đình ông Ty chỉ là một trong hàng nghìn gia đình ở Hải Phòng có truyền thống 4 thậm chí 5 thế hệ gắn bó với cảng Hoàng Diệu.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (85 tuổi, trú quận Lê Chân) là một điển hình. Ông kể, cảng Hoàng Diệu là thương cảng đầu tiên được thực dân Pháp xây dựng trên lãnh thổ Đông Dương. Đây còn được coi là nơi khai sinh ra đô thị cổ Hải Phòng tồn tại tới ngày nay, đồng thời là một chứng tích lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Sau khi xâm lược Việt Nam, từ năm 1874 thực dân Pháp đã cho xây dựng cảng Hải Phòng nhằm phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa. Công trình đầu tiên có quy mô lớn là hệ thống nhà kho gồm 6 kho, nên được gọi là bến Sáu Kho (cảng Hoàng Diệu ngày nay).
Bến Sáu Kho chính là khởi thủy của hệ thống cảng biển tại TP Hải Phòng và cũng chính từ đó hình thành nên một vùng đô thị sầm uất bậc nhất cả nước. Thời điểm đó, hàng vạn người dân ở các tỉnh lân cận như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương tới cảng Hải Phòng làm "phu khuân vác".
"Họ đem vợ con, gia đình tới đây sinh sống và đã trở thành những lớp thị dân đầu tiên của vùng đất cửa biển này", ông Hoàng cho hay.
Ngày 13/5/1955, những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng xuống tàu tại cảng Hải Phòng rời đi, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Từ năm 1955 đến năm 1975, cảng Hải Phòng trở thành cửa ngõ quan trọng nhất của đất nước, là cảng của quốc gia. Vì thế, đây là nơi Mỹ đã thả nhiều thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm… để đánh phá.
Di dời cảng xây cầu, làm công viên
Tại hội nghị chuyển giao và tiếp nhận Đảng bộ Công ty CP Cảng Hải Phòng và đảng viên từ Thành ủy Hải Phòng về trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty Hàng hải Việt Nam diễn ra tháng 12/2023, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, cảng Hải Phòng là đơn vị giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, là nơi góp phần hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là nơi có Chi bộ đảng được thành lập đầu tiên.
"Sự hình thành, phát triển của tổ chức đảng cảng Hải Phòng luôn gắn chặt với lịch sử truyền thống vẻ vang của thành phố", ông Châu nói.
Có hàng chục năm gắn bó với cảng Hoàng Diệu, nhưng ông Nguyễn Đức Thành, cựu công nhân cảng thừa nhận thực tế là khu vực cảng Hoàng Diệu giờ đây không đáp ứng được nhu cầu là một cảng biển hiện đại.
"Cảng hình thành bên bờ sông Cấm, trải qua 150 năm biến thiên của lịch sử, địa chất và sự mở rộng của đô thị Hải Phòng nên đã không còn phù hợp", ông Thành nhìn nhận.
Từ năm 2016, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt. Theo đó, các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu.
Cùng đó, TP Hải Phòng triển khai xây dựng các cây cầu Hoàng Văn Thụ và cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nối khu đô thị hiện tại với Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Hiện, cầu Hoàng Văn Thụ đã hoàn thành và đi vào sử dụng, tới đây cầu Nguyễn Trãi sẽ được triển khai xây dựng. Cảng Hoàng Diệu nằm giữa 2 cây cầu này sẽ phải di dời ra khu cảng nước sâu Lạch Huyện, diện tích đất này sẽ được thực hiện chỉnh trang đô thị.
Tuy vậy, với hàng nghìn, hàng vạn gia đình công nhân có nhiều thế hệ gắn bó với cảng vẫn không khỏi bâng khuâng khi biết chỉ vài tháng tới không còn dấu vết gì của cầu tàu, bến cảng.
"Tôi cũng như nhiều công nhân khi biết tin di dời cảng Hoàng Diệu vừa mừng nhưng cũng không khỏi nuối tiếc. Thời gian tới chúng tôi được làm việc ở bến cảng mới khang trang, hiện đại hơn. Rất mong chính quyền khi phá dỡ để chỉnh trang đô thị nên giữ lại một phần của bến cảng như một di tích vì nơi đây gắn với bao thế hệ người dân đất Cảng", ông Nguyễn Văn Bảo, công nhân cảng Hải Phòng tâm sự.
Theo UBND TP Hải Phòng, dự án công trình cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định ngày 30/12/2022, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Cầu Nguyễn Trãi dài 1.451m, bắc qua sông Cấm, nối liền quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên. Cầu Nguyễn Trãi là hạng mục quan trọng của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm, cùng với cầu Hoàng Văn Thụ.
Theo thiết kế, đây là cầu dây văng, trụ tháp dạng kim cương, bề rộng cầu chính 26,5m gồm 4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 nhánh cầu xuống đường Lê Thánh Tông; vận tốc 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận